Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chương trình tư vấn tuyển sinh “Cùng bạn quyết định tương lai”: Biết “trường”, biết ta sẽ chắc thắng!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-2, chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh “Cùng bạn quyết định tương lai” năm 2012 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã chính thức khởi động tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3).
Ban tư vấn gồm đại diện 12 trường ĐH-CĐ, CĐ nghề đã giải đáp những thắc mắc xoay quanh việc lựa chọn ngành nghề cũng như những nét mới dự kiến sẽ áp dụng trong mùa tuyển sinh 2012 cho hơn 650 học sinh của trường.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – trả lời những thắc mắc của học sinh

Rối chỗ nào, gỡ chỗ đó
Em Nguyễn Viết Thông (lớp 12T1) cho biết đã tìm hiểu thông tin về ngành nghề, trường qua truyền hình, mạng internet… nhưng thực sự đến thời điểm này bản thân em vẫn chưa xác định được ngành, trường nào phù hợp với bản thân và đảm bảo cơ hội trúng tuyển. “Ngành yêu thích thì ngại không đủ sức đậu, ngành có mức điểm trúng tuyển vừa tầm thì lại không rơi vào nguyện vọng lớn nhất”, Thông chia sẻ. Còn em Nguyễn Hải Hưng (lớp 12B6) cũng chia sẻ, hiện cái khó nhất trong việc lựa chọn ngành nghề đối với các bạn trong lớp 12B6 vẫn là chưa xác định được thực lực bản thân. Chính điều này khiến các bạn còn do dự trong việc đăng ký dự thi. Đây có lẽ cũng là tâm lý lo lắng chung của rất nhiều học sinh hiện nay trước ngưỡng cửa ĐH.

Học sinh tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh

Vì lẽ đó mà chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã được hàng trăm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu hào hứng đón nhận. “Những chương trình tư vấn hướng nghiệp thiết thực như thế này không chỉ giải đáp thắc mắc của chúng em mà còn mở ra hướng đi, giúp chúng em chọn được ngành nghề phù hợp” – em Nguyễn Viết Thông bày tỏ. Những học sinh khác cũng công nhận, nhờ tham gia những buổi tư vấn như thế này mà các em được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, không còn tình trạng chọn… đại một ngành hoặc trường ĐH nào đó trong khi chưa thực sự am hiểu.

Nhìn chung, mối quan tâm của học sinh năm nay vẫn tập trung vào những nhóm ngành kinh tế, y dược, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… với các khối tương ứng A, B. Riêng khối C, D, các ngành du lịch, ngoại ngữ vẫn rất thu hút học sinh.
Rất nhiều thắc mắc của các em học sinh xoay quanh các vấn đề chọn ngành, chọn trường, chương trình đào tạo tại các trường, cơ hội việc làm… đã được Ban tư vấn giải đáp trực tiếp, nhanh chóng tại buổi giao lưu hoặc ngay tại bàn tư vấn.

Biết “trường”, biết ta
Một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo thành công trong việc lựa chọn ngành nghề được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh nhấn mạnh với các em học sinh chính là biết lượng sức mình. ThS. Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM – nêu thực tế: “Để đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi, không hẳn chỉ nhờ học giỏi. Thực tế cho thấy, nếu học sinh chỉ học giỏi mà chủ quan, lựa chọn không đúng ngành nghề, còn nhiều sơ suất trong quá trình làm bài… thì nguy cơ bị trượt cao.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Cùng bạn quyết định tương lai” ngày 6-2

Bên cạnh đó, những em tuy học lực trung bình nhưng biết lựa chọn các ngành, trường và những môn phù hợp sở trường, chuẩn bị được kỹ năng và tâm thế làm bài tốt vẫn có khả năng đậu ĐH”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cũng đồng quan điểm này. Ông cho biết: “Số lượng thí sinh dự thi hằng năm đông nhưng lượng chỉ tiêu không đáp ứng đủ. Cụ thể năm 2012, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ trên cả

Báo Giáo dục TP.HCM xin cảm ơn STUDYLINK, ARENA MULTIMEDIA, APROTRAIN – APTECH, FPT – APTECH đã đồng hành cùng báo Giáo dục TP.HCM tổ chức chương trình “Cùng bạn quyết định tương lai” tại trường THPT Nguyễn Thị Diệu

nước chỉ khoảng 550 ngàn trong khi thực tế số lượng dự thi sẽ rất lớn, điều này đồng nghĩa số học sinh thi rớt sẽ nhiều hơn số thi đậu. Do đó, các em học sinh cần căn cứ đúng thực lực bản thân, biết được mình là ai, mình đang đứng ở đâu để chọn lựa ngành, khối thi cho phù hợp. Chỉ những học sinh thực sự có khả năng mới nên tham gia thi ĐH, còn những em không đủ khả năng nên chọn các trường không thi tuyển mà chỉ xét tuyển như CĐ nghề, TCCN… để có được cơ hội học tập khác”. Dẫn chứng từ thực tế, TS. Phạm Tấn Hạ – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM – cho rằng, ở khối C, chỉ những em thực sự nổi trội mới nên chọn thi ngành báo chí bởi đây là ngành có truyền thống lấy điểm cao tại trường suốt các năm qua. Nếu thực lực không đủ, các em nên chọn một số ngành khác ngay tại trường có mức điểm tương đối thấp hơn (dao động từ 14,5đ đến 16đ). Cũng theo TS. Hạ, các năm qua, trong rất nhiều khối thi thì khối C ít được thí sinh lựa chọn nhất. Do nhiều người học quan niệm học khối C (văn – sử – địa) thì ít có cơ hội làm giàu, ít cạnh tranh được với những ngành khác. Thực tế, rất nhiều lứa sinh viên đã từng học khối C đang có công việc, địa vị tốt; nhiều ngành khối C được xã hội đón nhận, chẳng hạn báo chí truyền thông, công tác xã hội, địa lý, đô thị học… Thí sinh cần tìm hiểu kỹ để nhìn nhận đúng đắn về khối ngành này và có thể theo đuổi nếu các em thực sự đam mê.

Bài, ảnh: M.Tâm

ThS. Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM – cho rằng việc lựa chọn được ngành nghề phù hợp sở thích, sở trường và xu thế phát triển của xã hội là rất quan trọng. Mục đích buổi tư vấn là đem đến thông tin, giải đáp thắc mắc của học sinh để các em có những lựa chọn đúng đắn nhất… Năm nay, Báo Giáo Dục TP.HCM triển khai đồng bộ các chương trình trợ giúp thí sinh mùa thi 2012, gồm: Ngày hội tư vấn tuyển sinh ĐH tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cùng tour tư vấn “Tiếp bước trường thi” tại 20 tỉnh thành phía Nam do tòa soạn Giáo Dục điện tử phụ trách; chương trình báo cáo hướng nghiệp dành cho học sinh THPT có trình độ trung bình – khá trở lại do Ban chuyên đề – sự kiện của báo phụ trách và chương trình trợ giúp tuyển sinh đại học dành cho HS các trường “top” trên do tòa soạn VTM thực hiện.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)