Bây giờ thật khó thấy các em học sinh, kể cả người lớn ngồi đọc sách trên ghế đá trong công viên hay những nơi công cộng khác. Chỉ thấy mọi người, đủ các thành phần, lứa tuổi chăm chú vào điện thoại thông minh, vì ở đó có nhiều kênh vui chơi, giải trí… Riêng tôi, bây giờ vẫn dành thời gian để đọc sách (có chọn lọc) để tự bồi đắp kiến thức cho bản thân.
Niềm đam mê đọc sách có được ở mỗi người, theo tôi là do năng khiếu bẩm sinh luôn thôi thúc sự tìm hiểu kiến thức bên trong. Nếu không có sự đam mê, không có nhu cầu hiểu biết thì dù để cả tủ sách trước mặt, họ vẫn coi như không thấy, không biết. Đọc sách là một thú vui của con người; nó làm thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ của bản thân. Theo đó, đọc được một câu thơ hay, một đoạn văn sâu sắc, một kiến thức mới thì thật sung sướng, trong lòng cứ lâng lâng mãi. Đọc sách chính là tự học, tự giáo dục để bản thân hướng về điều thiện, điều tốt lành và có thêm năng lực điều chỉnh hành vi của mình trước cuộc sống. Từng hạt “phù sa kiến thức” cứ thế hàng ngày lặng lẽ vun bồi nhân cách của mình trong dòng chảy của cuộc sống. Người ham đọc sách luôn có gương mặt sáng láng, toát lên tầm hiểu biết và luôn biết ứng xử hợp tình hợp lý những tình huống gặp phải. Ngoài ra, đọc sách cũng là một hình thức “tập thể dục” cho bộ não của mình. Để nó luôn vận động, luôn được đồng hành cùng tư duy, cùng suy nghĩ để cân bằng tâm lý. Một ngày không đọc sách, tôi cảm thấy mình lạc hậu, thụt lùi biết bao trước cuộc sống đầy sôi động. Thời gian gần đây, một số địa phương thành lập “Đường sách” nhằm quảng bá sách, mang đến niềm vui, tạo thói quen đọc sách cho mọi người, cho giới trẻ. Đọc sách cần có không gian đọc thoải mái, yên tĩnh vì như một danh ngôn đã nói: “Tính cách hình thành trong bão táp/ Trí tuệ hình thành trong yên lặng”.
Một điều tôi cứ băn khoăn mãi là hầu như các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh trẻ, hầu như ít ai đọc sách. Như thế làm sao làm gương, tạo hứng thú, tạo sự tò mò tìm hiểu sách cho con cái? Nhiều gia đình có tủ rượu lớn, đầy đủ các loại rượu tây, tàu nhưng trang bị một tủ sách nhỏ cho con cái thì không làm! Một điều đáng buồn nữa nhưng cũng phải nói ra là ngay cả giáo viên, trong đó có giáo viên dạy văn, mấy ai có thói quen đọc sách, ham mê đọc sách? Nếu có thì con số này rất ít.
Đam mê đọc sách có phải do bẩm sinh, do năng khiếu hay do rèn luyện mà thành? Hay các phương tiện giải trí khác hấp dẫn hơn, sinh động hơn bằng hình ảnh nên đã làm lu mờ thói quen đọc sách?
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)