Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cần sớm hoàn thiện quy định pháp lý về bản quyền phim ảnh

Tạp Chí Giáo Dục

Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đã nêu ra nhiều vấn đề về pháp lý cần hoàn thiện.

“Lấy cảm hứng” sẽ gây nhiều tranh cãi 

Khi nhắc vấn đề vi phạm bản quyền trong phim ảnh, mọi người thường nghĩ đến khâu phát hành – phim ra rạp bị phát tán lậu trên mạng, bị quay lén. Nhưng trong bối cảnh Nhà nước đang chủ trương xây dựng điện ảnh Việt Nam thành ngành công nghiệp văn hóa, chuyện bảo vệ bản quyền còn nhiều vấn đề khác.

Vụ việc mới nhất là trường hợp phim Đất rừng phương Nam. Ồn ào về phim một phần xuất phát từ việc ê kíp tuyên bố lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, bê nguyên xi tựa tiểu thuyết Đất rừng phương Nam đặt làm tên phim nhưng lại biến tấu nội dung quá nhiều. Cụm từ “lấy cảm hứng” lập tức trở thành vấn đề gây tranh cãi. 

Hiện vẫn chưa thể thực hiện việc thu tiền bản quyền việc phát các ca khúc sử dụng trong phim thông qua việc trình chiếu phim, phát nhạc phim tại các khu vực sảnh chờ, nơi mua vé…

Hiện vẫn chưa thể thực hiện việc thu tiền bản quyền việc phát các ca khúc sử dụng trong phim thông qua việc trình chiếu phim, phát nhạc phim tại các khu vực sảnh chờ, nơi mua vé…

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú đề nghị cần nêu rõ sở hữu quyền là gì, tác quyền là gì trong trường hợp chuyển thể kịch bản văn học thành phim. “Phim có đời sống riêng, kịch bản văn học khi chuyển qua điện ảnh sẽ chịu sự chi phối riêng, không còn phụ thuộc vào tác phẩm gốc. Nếu giữ nguyên tên tác phẩm gốc, tên nhân vật, liệu mấy chữ lấy cảm hứng có phải là đánh tráo khái niệm hay không? Chuyện này cần phải bàn kỹ hơn, lấy cảm hứng là như thế nào vì đây sẽ là tranh cãi không hồi kết”. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn trong tình hình phim Việt khan hiếm kịch bản hay, kịch bản văn học đã và đang trở thành “mỏ vàng” để các nhà làm phim khai thác. 

Bản quyền âm nhạc trong phim vẫn còn nhiều kẽ hở. Ở Việt Nam, khi tác phẩm âm nhạc được sử dụng cho phim sẽ phát sinh quyền sao chép tác phẩm, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (phát nhạc phim tại sảnh chờ, nơi mua vé, lối đi, sử dụng nhạc ở các trailer teaser để quảng bá phim), quyền phát sóng và truyền đạt đến công chúng tác phẩm (phim sau khi ra rạp một thời gian tiếp tục phát trên truyền hình, ứng dụng OTT). Hiện chỉ có quyền sao chép tác phẩm được thực thi tốt, 2 quyền còn lại chưa thực hiện được vì chưa được sự đồng thuận của người trong cuộc.

Trong khi đó, ở nước ngoài, các đơn vị CMO (tương tự Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đều thu được tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong phim. Chẳng hạn tác phẩm âm nhạc Tình dân quân của Xuân Ba được các nhà làm phim Hollywood dùng trong phim The Vietnam War và series Watchmen trả hơn 1 tỉ đồng tiền bản quyền, trong đó tiền cho quyền truyền đạt là hơn 73 triệu đồng. 

Lạm dụng cơ chế thông báo – gỡ bỏ

Ngay cả việc xử lý vi phạm bản quyền cũng xuất hiện bất cập với tình trạng lạm dụng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua cơ chế xóa, gỡ nội dung vi phạm (gọi tắt là cơ chế thông báo – gỡ bỏ). Hiện nay, khi có yêu cầu gỡ bỏ vi phạm bản quyền, YouTube sử dụng cả hệ thống tự động và nhân viên đánh giá để xem xét. 

Bà Đỗ Thị Bích Ngọc – Ban Pháp chế Công ty Sconnect, đơn vị liên quan tới vụ tranh chấp bản quyền giữa 2 bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo do Sconnect sở hữu và Peppa Pig  do eOne tại Anh sở hữu – chỉ rõ: “Thủ tục yêu cầu chặn/gỡ nội dung video của các nền tảng như YouTube rất đơn giản, nhanh chóng. Chính vì thế, nhiều bên không ngần ngại gửi yêu cầu xóa – gỡ hàng loạt nội dung của chủ thể khác. Trong đó, có những nội dung vi phạm và cũng có những nội dung hoàn toàn không có dấu hiệu vi phạm. Dù nội dung sau khi kháng cáo có được khôi phục hay không, việc xóa – gỡ cũng đã ảnh hưởng ngay lập tức và trực tiếp đến quyền lợi của chủ sở hữu vì sự sụt giảm lượt xem và độ tin cậy của kênh. Đồng thời, doanh thu lẽ ra được hưởng nếu không bị xóa – gỡ cũng không thể khôi phục, lấy lại”.

Đất rừng phương Nam. Ồn ào về phim một phần xuất phát từ việc ê kíp tuyên bố lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi

Đất rừng phương Nam gây tranh cãi  một phần xuất phát từ việc ê kíp tuyên bố lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi

Vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong điện ảnh còn một khía cạnh ít được để ý nhưng dễ gây mâu thuẫn là chuyện xác định tác giả phim là biên kịch hay đạo diễn. Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh – Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội – ở Hollywood, nếu tập thể viết kịch bản, việc công nhận tác giả sẽ thuộc về Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA). Ông cho biết: “Nếu kịch bản không phải là chuyển thể từ tiểu thuyết, kịch, bài viết… và tác giả kịch bản cũng chính là người sáng tạo ra câu chuyện khởi thủy sẽ thấy trên tít chữ Written by (Được viết bởi). Nếu câu chuyện, ý tưởng của người khác, người chấp bút viết kịch bản sẽ được thể hiện là “Story by” (Truyện gốc của). Nếu có truyện gốc nhưng tác giả kịch bản sáng tạo ra một truyện rất khác, tuy vẫn dựa vào ý tưởng gốc và khác một cách cơ bản thì sẽ là Screen story by (Câu chuyện của phim bởi).  Screenplay by (Kịch bản do) sẽ dành cho người viết kịch bản phim. Nếu có tranh cãi, cơ quan đứng ra xử kiện là WGA”. Ở Việt Nam, chưa có sự phân định rạch ròi như trên nên thỉnh thoảng xảy ra ồn ào, tranh chấp.

Điện ảnh được xác định là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, việc bảo hộ bản quyền phải bao trùm mọi khâu từ sản xuất, phát hành đến tái đầu tư. Muốn vậy, hành lang pháp lý hiện nay cần phải được hoàn thiện hơn ở những ngóc ngách kể trên. Làm được điều này cần sự chung tay của các bộ, ngành chứ không thể chỉ trông chờ vào cá nhân, đơn vị riêng lẻ. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)