Thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM sẽ có thêm nguồn điện mặt trời (ĐMT) trên mái các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, điều này sẽ góp phần tăng thêm nguồn cung điện cũng như tiết kiệm khá lớn cho ngân sách…
Điện năng lượng mặt trời được áp mái tại khu vực nhà máy cấp nước Thủ Đức.
Tiềm năng to lớn
Năm 2021, Sở Công thương đã trình UBND TPHCM phê duyệt Đề án mở rộng thí điểm đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM. Việc lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà các trụ sở công được thành phố xác định là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ. Qua rà soát, thành phố có gần 1.800 cơ quan có thể lắp ĐMT với tổng công suất là 160MWp.
Theo số liệu khảo sát của Đề án quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, thì vào mùa khô, số giờ nắng lên đến khoảng 300 giờ/tháng (tháng 10); vào mùa mưa, số giờ nắng lên đến khoảng 150 giờ/tháng (tháng 3). Như vậy, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố là rất lớn, đặc biệt là ĐMT trên mái nhà. Đến nay, đã có một số cơ quan, đơn vị tiến hành lắp đặt thí điểm hệ thống ĐMT trên mái nhà như Sở KH-CN (công suất 20kWp), Sở Tài chính (công suất 20kWp), UBND quận Phú Nhuận (công suất 88kWp), UBND quận 12 (công suất 80kWp), UBND quận 10 (công suất 45kWp), UBND quận 4 (công suất 34,5kWp)…
Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TPHCM, tính đến hết năm 2022, thành phố mới có 14.151 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Với sản lượng ĐMT mái nhà phát lên lưới năm 2021 đạt gần 300 triệu kWh, người dân và doanh nghiệp thu về khoảng 600 tỷ đồng. Trong khi đó, Sở Công thương TPHCM nhận định, thành phố là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, nguồn chủ yếu là từ các khu vực lân cận.
Vì vậy, phát triển nguồn điện tại chỗ để cung cấp cho thành phố là rất hiệu quả và phù hợp với sự phát triển chung. Theo Đề án phát triển ĐMT mái nhà trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 1.505 MWp, đạt 29,62% tổng tiềm năng ĐMT mái nhà, đáp ứng 13,60% nhu cầu công suất và 4,29% nhu cầu tiêu thụ điện năng toàn thành phố. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 26.012 tỷ đồng.
Tháng 9 sẽ triển khai
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, lâu nay việc quản lý lắp đặt hệ thống ĐMT đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM thực hiện theo quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18/2020 của Bộ Công thương.
Cụ thể, bên thực hiện đăng ký đấu nối với ngành điện cung cấp các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến. Ngành điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất để làm cơ sở hai bên ký thỏa thuận đấu nối. Sau khi thực hiện lắp đặt xong, đúng với nội dung đã thỏa thuận, gửi hồ sơ đến ngành điện để thực hiện kiểm tra kỹ thuật, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện đưa vào vận hành. Trường hợp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, ngành điện có trách nhiệm thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công thương để xử lý theo quy định hiện hành.
Trao đổi với PV, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM nói, vấn đề mấu chốt hiện nay là các bên liên quan cần ban hành quy trình để hướng dẫn thực hiện, lắp đặt, thực thi chính sách một cách thuận lợi và nhanh chóng, đồng thời tháo gỡ các điểm vướng để phát triển ĐMT mái nhà theo Nghị quyết 98. Trong đó, có việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, xác định những vấn đề khi lắp đặt như mỹ quan, kiến trúc.
Đặc biệt, với cơ chế tài chính thực hiện, cần xác định rõ vốn đầu tư công hay đối tác công tư (PPP), lựa chọn đối tác lắp đặt, đấu thầu… Khi có quy trình rõ ràng, các đơn vị liên quan sẽ sớm thực hiện được cơ chế này, từ đó thành phố sẽ có thêm nguồn ĐMT mái nhà.
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, đang hoàn thiện và sẽ trình UBND TPHCM ban hành trình tự thủ tục triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà công sở trong tháng 8 này. Dự kiến thành phố sẽ thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 9-2023.
Có thể tiết kiệm 400 tỷ đồng/năm
Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, chủ trương phát triển ĐMT mái nhà ở công sở là rất đúng đắn theo xu hướng phát triển. Lợi thế ở chỗ, công sở tận dụng các mái nhà hiện có. Ban ngày nắng nhiều ĐMT sẽ phát huy hiệu quả rất tốt, đồng thời đây cũng là thời điểm các cơ quan công sở sẽ sử dụng điện nhiều để làm việc. Theo tính toán, sau khi hoàn vốn, mỗi năm thành phố có thể tiết kiệm tới 400 tỷ đồng tiền điện. Tổng Công ty Điện lực TPHCM sẽ tư vấn về kỹ thuật, vốn đầu tư nếu có yêu cầu từ cơ quan hữu quan.
|
ĐỨC TRUNG (theo SGGP)
Bình luận (0)