Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Băn khoăn về việc ra đề ngữ văn lấy ngữ liệu mới

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học đã và đang đưa ra những thách thức không hề đơn giản cho người dạy lẫn người học. Đối với môn ngữ văn, việc ra đề lấy ngữ liệu mới ngoài bài đã dạy là một khó khăn, một “nút thắt” cần được bàn luận, gỡ thế khó này. Một bài kiểm tra tại lớp 2 tiết (90 phút) thì liệu học sinh có đủ thời gian “thẩm thấu” đề bài trong hai trang giấy A4 không? Dù có tóm tắt tác phẩm nhưng liệu học sinh có lột tả hết được tính cách nhân vật? Vì tóm tắt chỉ là những ý khái quát nội dung, không thể có chi tiết mà tính cách nhân vật lại thể hiện qua ngôn ngữ, hành động, cử chỉ, thái độ được miêu tả bằng những chi tiết. Muốn nắm được nội dung tác phẩm phải đọc nhiều lần, phải nghiền ngẫm; bằng trải nghiệm, bằng khả năng vận dụng kiến thức mới hiểu thấu đáo. Thời gian 90 phút chưa đủ độ cần thiết để học sinh cảm nhận được tác phẩm.

Trước đây, thông thường đề ra chỉ khoảng mười dòng trở lại, nay cầm trên tay đề ra dài kín chữ hai trang giấy thì học sinh chắc bị chới với, mất sự tự tin. Hơn nữa, điều quan trọng nhất lại là tác phẩm mới gặp tức thời; không phải một tác phẩm đã học hoặc đã đọc. Đối với một giáo viên dạy ngữ văn, nếu gặp (đọc) một truyện ngắn trên báo thì cũng phải có thời gian nhất định nào đó mới “tiêu hóa” lượng kiến thức đó và may ra hiểu đôi phần thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Văn chương không phải là “món ăn” cấp tốc kiểu “mì ăn liền” mà đó là một “món ăn” kén người, không phải ai cũng “ăn” được! Nhưng không thể quay lại cách ra đề cũ, học sinh chỉ cần “trả đủ chữ” cho giáo viên là đạt yêu cầu! Các em đã được “bú mớm” từ nhỏ, nay “cai sữa” thì bước ban đầu sẽ khó chịu, “làm mình làm mẩy” vì quen được nuông chiều! Nay tự cầm thìa xúc thức ăn chắc lúc đầu còn lóng ngóng, nhưng dần dần sẽ quen.

Ra đề với ngữ liệu mới nhằm kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức đã học về cách phân tích, cảm nhận một tác phẩm. Có thể tìm một trích đoạn cụ thể, khá trọn vẹn về nội dung hoặc một truyện ngắn vừa phải để học sinh phân tích, cảm nhận. Có thể nỗi lo của tôi ở trên là “lo bò trắng răng” vì học sinh từng đọc những truyện ngắn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Do đó, chúng ta cứ mạnh dạn tìm ngữ liệu mới để ra đề. Người dạy cũng cần đọc nhiều, đọc tích cực; coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi đọc thì mới có “nguồn lửa” để truyền được ngọn lửa đam mê tới học sinh. Tôi biết nhiều giáo viên rất đam mê đọc sách, tìm hiểu nhiều tác giả, tác phẩm để không ngừng vun bồi kiến thức cho mình… Cái mới lúc ban đầu không hề dễ dàng mà phải trải qua nhiều thử thách, nhiều trải nghiệm thực tế mới đi tới ổn định, thành công.

Hng Lam

Bình luận (0)