Trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn ôn tập bài thi khoa học tự nhiên, các em học sinh cần phải có nguyên tắc ôn lý thuyết và rèn kỹ năng thật khoa học.
Nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên, học sinh cần có nguyên tắc khi ôn lý thuyết cũng như rèn kỹ năng thật khoa học
Môn vật lý: Đừng để sai “nhảm”
Theo thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm (giáo viên môn vật lý, Trường THPT Tenlơman, Q.1), thời gian này học sinh nên thường xuyên giải các đề thi thử, sau đó rút kinh nghiệm những sai sót vấp phải. Từ đó các em đúc kết, kiến thức sẽ sâu sắc hơn, khi vào phòng thi tránh bớt sai lầm. Các em cần bám sát vào cấu trúc đề minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố để ôn tập. Trong đó, với 24 câu đầu chủ yếu đề cập đến lý thuyết hiểu, bài tập vận dụng dễ, có một bước xử lý nên các em cần hệ thống lý thuyết cơ bản theo kiểu “chắc ăn”. “Các em nên nhớ câu dễ hay khó thì cũng 0,25 điểm/câu, vì vậy đừng để bị sai “nhảm” ở câu dễ, rất đáng tiếc. Và khi tập làm đề thì nên canh thời gian cho phần dễ này ít hơn 15 phút. Từ câu 25 trở đi, mức độ khó tăng dần, mỗi bài toán đều cần xử lý từ 2 đến 3 bước. Vì vậy, trong thời gian nước rút này, các em cần lưu ý bản thân cẩn thận ở các phép tính, con dấu, vì chỉ một sai sót nhỏ khi làm ra kết quả các em sẽ rơi vào các đáp án gọi là “cạm bẫy hấp dẫn”, rơi vào trạng thái “tưởng mình đúng””, thầy Lãm lưu ý.
Giáo viên này cũng nhấn mạnh, học sinh tập thói quen trong lúc ôn luyện cần viết ra đơn vị của đáp án, nắm vững bảng chuyển đổi đơn vị, đặc biệt lưu ý nội dung các đơn vị và chuyển đổi giữa chúng. Chẳng hạn, ở phần năng lượng, chu kỳ, tần số, tần số góc, chú ý 4 đại lượng cơ bản đơn vị phải đưa về chuẩn. Phần giao thoa ánh sáng để giải quyết nhanh bài toán có bộ đơn vị riêng. Các em cần nắm chắc vì giải nhanh nhưng sẽ dễ nhầm lẫn quên đổi khi bài toán ở chương khác. “Một bài thi tốt nhờ vào sự chuẩn bị chu toàn. Đầu óc thư giãn nhẹ nhàng, trước kỳ thi 10 ngày các em cần thức dậy theo múi giờ thi, ngồi vào bàn học đúng thời gian, tạo cho não một thói quen. Như vậy khi vào phòng thi, các em sẽ mất ít thời gian “khởi động” hơn. Hãy tưởng tượng sáng nay đi thi mà những ngày trước sáng nào cũng thức dậy lúc 9 giờ, có lẽ não của các em còn chưa “thức dậy”, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm bài phải không nào”, thầy Lãm lưu ý.
Môn hóa học: “Thực chiến” với các đề thi mẫu
ThS. Phạm Lê Thanh (giáo viên môn hóa học, Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11) cho hay, từ cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT cho thấy có tới 65% nội dung trong đề là lý thuyết. Do đó, khi ôn tập, học sinh cần phải học thật kỹ lý thuyết. “Lý thuyết hóa học là nền tảng để hiểu bản chất và giải các bài toán hóa học nhanh, kết quả chính xác. Cách học lý thuyết tốt nhất là xem kỹ phần hệ thống 10 chuyên đề về toán đại cương kim loại, điều chế kim loại, bài tập kim loại kiềm, kiềm thổ… và ghi chép các mục trọng tâm vào sổ tay, đến lúc gần thi lấy ra tra cứu thật kỹ. Thứ hai, học sinh phải nắm vững các phương pháp giải bài tập cơ bản như phương pháp trung bình, bảo toàn khối lượng, nguyên tố, điện tích. Chỉ cần sử dụng linh hoạt 4 phương pháp này, các em có thể giải hầu hết các bài toán trong đề thi”, ThS. Thanh nêu rõ.
Ở mỗi bài thi, học sinh cần nắm vững kiến thức lý thuyết
Cũng theo ThS. Thanh, học sinh cần “thực chiến” với nhiều đề thi thử của các trường THPT trong cả nước, lọc ra những câu khó, chép vào một cuốn sổ tay để trước khi đi thi lấy ra xem lại cách giải cho nhớ. Lúc làm lại hãy cố gắng tìm ra mấu chốt và định hướng cách làm của bài toán, đừng học thuộc vì khi thi thật thường những câu hỏi đã được biến đổi rồi. “Các em hãy nhớ học hóa học phải hiểu bản chất, không được học thuộc lòng, khi đổi dữ kiện là câu hỏi sẽ thay đổi. “Thiên biến vạn hóa” là như vậy. Ngoài ra, các em phải trang bị kỹ năng làm trắc nghiệm nhanh. Khi làm bài, các em cần phải gạch vào những chữ “mấu chốt” trong đề thi để làm chính xác và tránh đọc quá lâu các nội dung không cần thiết, gây loãng mạch tư duy suy nghĩ. Vừa ôn lý thuyết vừa rèn bài tập thật kỹ”, ThS. Thanh nhấn mạnh.
Môn sinh học: Vừa ôn lý thuyết, vừa làm bài tập
Với môn sinh học, theo thầy Võ Thanh Bình (giáo viên môn sinh học, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5), đây là môn khoa học có nhiều lý thuyết, các kiến thức cần học rất nhiều. Ngoài ra, trong đề thi còn một số câu hỏi tính toán thuộc phần di truyền học. Do đó, việc ôn tập cần định hướng là vừa ôn lý thuyết, vừa làm bài tập. “Khi ôn tập, học sinh cần bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT. Với 20 câu hỏi đầu tiên trong đề thi, chủ yếu hỏi về lý thuyết, học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản của phần di truyền, tiến hóa, sinh thái trong sách giáo khoa lớp 12 và phần trao đổi chất và năng lượng của chương trình sinh học lớp 11. Đến 10 câu kế tiếp cũng đa số là lý thuyết, nhưng cần hiểu và vận dụng. Học sinh cần nắm vững lý thuyết tương tự như trên, suy nghĩ trả lời thì sẽ làm được. Ngoài ra, trong 10 câu này sẽ có một số câu bài tập tính toán, các em cần nắm vững các công thức trong môn sinh học được học trong lớp”, thầy Bình lưu ý.
Riêng 10 câu cuối trong đề thi, theo thầy Bình, đây là những câu khó nhất, mang tính phân loại cao. Trong 10 câu này thường có một câu vận dụng cao ở phần tiến hóa hoặc sinh thái hoặc ứng dụng di truyền học. Các câu còn lại là phần bài tập vận dụng của phần di truyền học là vật chất di truyền, biến dị, quy luật di truyền, di truyền quần thể. “Trong thời gian này, các em cần làm quen nhiều dạng bài tập phần này. Muốn thi đạt kết quả cao, các em cần tự trau dồi kiến thức cho bản thân mình. Đồng thời tạo cho mình kỹ năng, khả năng tốt để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất”, thầy Bình cho biết thêm.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)