Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lớp học đặc biệt bên bãi rác

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 2 năm nay, bên bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tồn tại một lớp học khá đặc biệt. Học trò là những chị em phụ nữ ngày đi nhặt rác mưu sinh, tối về đến lớp học chữ.

Gian nan đến lớp

Người khai sinh và đảm nhận lớp học ấy là chị Nguyễn Thị Ân, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
“Ngay từ khi còn làm chi hội trưởng phụ nữ Đà Sơn (Hòa Khánh Nam), chị có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với chị em phụ nữ. Qua đó, chị thấy nhiều chị em do hoàn cảnh khó khăn không được đi học, không biết chữ. Mỗi lần đi vay vốn không biết ký, phải lăn tay. Khi đó chị đã mong có thể mở một lớp học để dạy chữ cho các chị ấy nhưng không có điều kiện”, chị Ân cho biết.
Rồi khi lên làm chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam, ý nghĩ mở lớp học xóa mù cho chị em đi nhặt rác trong chị Ân vẫn còn.
Chị xin ý kiến của UBND phường và UBND quận mở lớp học và được đồng ý. UBND phường hỗ trợ kinh phí mua sách vở, bàn ghế, phấn bảng… còn chị Ân góp công. Thế nhưng để vận động “học trò” đến với lớp học cũng rất khó khăn.
Các chị em đã lớn tuổi, cả ngày vào bãi rác bới tìm, lượm lặt được cái gì có thể bán được kiếm tiền nuôi gia đình. Vất vả cả ngày, tối đến chỉ mong được ngả lưng để có sức ngày mai còn đi làm.  Hơn nữa từ trước đến giờ, mọi người không biết các chị không biết chữ, giờ đi học sẽ bị “lộ” chuyện. Vì thế khi vận động các chị đến lớp học, nhiều chị không chịu.
Lớp học của cô giáo Ân bên bãi rác.
Thế rồi chị Ân phải đi từng nhà vận động, phân tích cái lợi của việc biết chữ như: nếu biết chữ thì có thể dạy con cái học hành, mình biết chữ con cái cũng tôn trọng mình hơn, hay khi đi biết chữ mình không bị kẻ xấu lợi dụng, mình có thể sử dụng điện thoại, làm các phép tính…
Sau khi nghe chị Ân phân tích, các chị đã đồng ý đến lớp học nhưng các ông chồng không đồng ý. Các ông bảo: “Đi học ai lo cho con cái. Từ trước đến giờ không biết chữ vẫn sống được đó thôi”, chị Ân lại một lần nữa phải đến vận động các ông chồng. Cuối cùng các ông chồng cũng đồng ý.
Dù rất bận công việc của Hội nhưng chị Ân vẫn rất tâm huyết với lớp học.
Tuy nhiên, vận động được các chị đến lớp đã khó, làm sao để lớp học được duy trì lại càng khó hơn. Vì thế, ngoài việc dạy chữ, chị Ân còn thường xuyên kể những câu chuyện về các gia đình hạnh phúc, gương những người biết vươn lên trong cuộc sống… để các chị có thêm nghị lực, ý chí phấn đấu.
Hôm nào thấy lớp học trầm, chị Ân biết các chị buồn phiền vì chuyện nhà, chuyện chồng con…, chị Ân tìm cách chia sẻ với chị em. Các chị có người để san sẻ, giãi bày nên thấy nhẹ lòng hơn, mọi người gắn bó với nhau hơn. Các ngày lễ 20/10, 8/3…, chị Ân xin kinh phí hỗ trợ cho các chị được đi tham quan gần trong vòng 1 ngày. Ngày Tết, tặng các chị suất quà để động viên tinh thần. Thế nên lớp học mới duy trì đến được ngày hôm nay.
Biết chữ giúp các chị tự tin trong cuộc sống
Thế rồi, cứ đến tối, người ta lại nghe được những tiếng đọc âm vần vỡ lòng. Thỉnh thoảng những tiếng cười giòn dã lại vang lên từ lớp học ấy. Người lớn tuổi nhất đã ngoài 40 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 30 tuổi.
Đến nay, lớp học đã duy trì được hai năm rưỡi, hiện các chị đang học chương trình lớp 3. Học hết chương trình lớp 3 thì lớp học sẽ kết thúc.
Chị Ân cho biết đến nay các chị đã đọc thông viết thạo và làm được các phép tính đơn giản, sử dụng được điện thoại và máy tính. Các chị rất phấn khởi vì điều đó. Theo cách nói của các chị thì giống như “đang đứng giữa đám mây mù mà có ánh sáng rọi vào”.
Biết đọc, biết viết giúp các chị tự tin hơn trong cuộc sống.
Đang chép lại bài tập, chị Nguyễn Thị Phượng háo hức khoe, trước đây không biết chữ, con hỏi bài không biết trả lời thế nào, đi mua phế liệu (chị Phượng vừa đi nhặt rác vừa đi mua phế liệu – PV) không biết tính tiền. Từ khi tham gia lớp học, tôi đã biết đọc và biết cách dùng máy tính để tính trả cho người bán.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Yến vui mừng kể lại: “Ngày đầu cầm cái bút với bàn tay chai sạn, thô ráp đã quen lao động chẳng dễ chút nào. Viết được mấy chữ là mỏi tay, bút rớt lên rớt xuống. Những lúc đó, cô Ân đã ân cần cầm tay nắn nót từng chữ. Giờ đây đi ra ngoài đường thấy các dòng chữ, tôi đều cũng đọc được cả. Từ khi biết đọc biết, biết viết thấy mình tự tin hơn hẳn. Không phải lo sợ mọi người phát hiện ra mình không biết chữ”.
Hiểu được giá trị của việc học chữ, chị Nguyễn Thị Kim Xuân dù nghỉ sinh ở nhà cũng tự lấy sách vở ra học. Chỗ nào không biết chị hỏi chồng, hỏi con. Giờ đây, để thuận lợi cho chị Xuân (vì con nhỏ nên không thể đi học) lớp học đã chuyển đến nhà chị luôn.
Và cứ như vậy, sự nhiệt tình và tâm huyết của cô giáo Ân đã giúp những phụ nữ nhặt rác lam lũ có thêm niềm vui, sự tự tin trong cuộc sống và có một lớp học đặc biệt như thế.
Khánh Hồng
(Dân trí) 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)