Cuối tuần qua, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM đã thực hiện khảo sát ở nhiều địa phương về các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập.
Việc không dám xã hội hóa giáo dục sẽ có thể khiến hoạt động trường không đi vào chiều sâu
Trường không thu quỹ cha mẹ học sinh nhưng lớp thu
Bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 thông tin, quy trình thực hiện mức thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận trước hết sẽ do Phòng Giáo dục cùng Phòng Tài chính kế hoạch tham mưu UBND quận khi có văn bản hướng dẫn thu chi đầu năm của Sở GD-ĐT TP.HCM thì Phòng Giáo dục sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tạm thu. Sau đó, các trường sẽ thực hiện thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu thực hiện trong năm học. Nếu khoản thu không hợp lý Phòng Giáo dục sẽ trao đổi với các trường để rà soát lại, từ đó có văn bản tham mưu ủy ban để ban hành khoản thu.
“Đối với mức thu thỏa thuận, địa phương không cào bằng mà mức chỉ đưa ra khung trần cao nhất, còn lại các cơ sở giáo dục sẽ chủ động trong điều kiện thực tế của trường mình. Hàng năm Phòng Giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, chuyên đề kiểm tra thực hiện các khoản thu trong cơ sở giáo dục, thông qua đó sẽ rút kinh nghiệm. Trong các năm qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã thực hiện thu các khoản thu theo đúng khung UBND quận ban hành, không vượt qua mức thu, sử dụng đúng mục đích” – bà Bình đánh giá.
Hiện nay mức thu được UBND Q.1 về khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Q.1, từ năm học 2019-2020 đến nay được thực hiện thu theo các khoản thu thỏa thuận và khoản thu dịch vụ.
Trong đó, khoản thu thỏa thuận bao gồm tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (tiểu học không quá 150.000 đồng/tháng, THCS không quá 200.000 đồng/tháng); tiền tổ chức các lớp tăng cường tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức (tiểu học không quá 100.000 đồng/tháng, THCS không quá 120.000 đồng/tháng với tiếng Anh, Pháp, Nhật và không quá 200.000 đồng/tháng với tiếng Đức)…
Lý giải mặt bằng mức thu chung của các cơ sở giáo dục trên địa bàn Q.1 luôn cao hơn so với các quận huyện khác, thậm chí cao hơn cả Q.3 giáp ranh, bà Lê Thị Bình cho hay, Q.1 có đặc thù sĩ số HS Q.1 ở mức tương đối lý tưởng, sĩ số bình quân tiểu học chỉ 32 học sinh/lớp, THCS là 37 học sinh/lớp, thậm chí có trường có lớp dưới 30 em. Với sĩ số này, các trường phải tính toán làm sao có mức thu phù hợp nhất, UBND quận chỉ đưa mức thu tối đa còn các trường linh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thông tin, hiện nay các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện thực hiện thu 6 khoản thu, bao gồm thu dịch vụ cho hoạt động giáo dục như dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh, tổ chức học nghề, ngoại khóa, năng khiếu, kỹ năng sống; khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục theo các đề án của UBND TP như dạy học tích hợp, dạy tin học theo đề án, thu theo mô hình trường tiên tiến; các khoản thu dịch vụ cho hoạt động bán trú của học sinh.
Theo ông Hiệp, vào mỗi năm học khi có văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT, UBND huyện, Phòng Giáo dục triển khai đến các trường lấy ý kiến cha mẹ học sinh (CMHS) và đề xuất mức thu của các khoản thu. Từ đó Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính kế hoạch tham mưu UBND huyện xem xét quyết định mức thu năm học. Trong đó, các khoản thu thỏa thuận đảm bảo hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh, không cào bằng. Với các khoản thu hộ chi hộ, trường lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh để thực hiện.
“Từ năm 2019-2020 đến nay, Phòng Giáo dục phối hợp với Phòng Tài chính giữ nguyên mức thu để giảm gánh nặng CMHS. So với văn bản cho phép mức thu của Sở GD-ĐT thì mức thu của huyện là thấp để giảm gánh nặng cho CMHS. Tuy nhiên, thực tế mức thu chưa phù hợp, vừa rồi Bí thư huyện Hóc Môn cũng đã họp với hiệu trưởng các trường phải thay đổi mức thu để phù hợp với tình hình hiện nay” – ông Hiệp nói.
Nhận định về khoản thu quỹ đại diện CMHS trường, ông Hiệp cho biết địa bàn huyện có trường làm, có trường không. Trường làm được thì có quỹ hoạt động để hỗ trợ cho nhà trường chăm lo HS. Phòng Giáo dục cũng đã triển khai đến ban đại diện CMHS các trường để hiểu rõ về Thông tư 55, biết cái gì làm được, cái gì không… Riêng Thông tư 16, các trường thực hiện theo “chìa khóa trao tay”, hiện vật, trường thành lập ban tiếp nhận.
“Các trường rất e ngại vận động quỹ CMHS trường mà hiện nay đang làm theo mô hình một nhóm phụ huynh có tâm huyết hỗ trợ trường làm công trình giáo dục, các phụ huynh khác nhìn thấy cũng có thêm sự đóng góp cùng chứ nhà trường không kêu gọi vận động, làm thư quyên góp hay cào bằng mức thu. Cách làm này đang được nhân rộng để thực hiện xã hội hóa giáo dục” – ông Nguyễn Văn Hiệp bày tỏ.
Cần làm rõ hơn Thông tư 55 và Thông tư 16 với phụ huynh học sinh
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, hiện nay còn nhiều đơn vị giáo dục chưa nắm rõ, chưa phân biệt rõ được Thông tư 55 và Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT về kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS và kinh phí tài trợ hoạt động giáo dục. Dẫn đến việc thực hiện theo 2 thông tư này ở cơ sở giáo dục vẫn còn “chưa thông”. Ông chỉ rõ: Việc chi quỹ ban đại diện CMHS của lớp phải có kế hoạch thống nhất với GVCN, đối với kinh phí hoạt động CMHS trường thì được trích từ quỹ lớp để hoạt động, với kế hoạch thu chi, được trưởng ban đại diện CMHS trường thống nhất với hiệu trưởng. Không được quyên góp để chi cho hoạt động trực tiếp của cơ sở giáo dục trường có nhu cầu lập kế hoạch, ghi rõ cần vận động làm gì. Hỗ trợ thêm cho hoạt động phục vụ giáo dục như cuộc thi, nghiên cứu khoa học; hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp…
Trong khi đó, ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 – thành viên đoàn giám sát cho rằng, với kinh phí khen thưởng HS các trường cần tính toán lại. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cho thu theo Thông tư 55 và Thông tư 16, vì vậy các trường phải thực hiện theo đúng để có nguồn kinh phí, nếu không thực hiện thì tự mình làm khó mình. Ngoài ra, theo ông cần có ý kiến đề xuất để điều chỉnh sự hỗ trợ từ thông tư có thể giúp nhà trường hỗ trợ chi cho nhân viên trường như nhân viên tư vấn tâm lý.
“Công tác quán triệt thông tư trong trường với CMHS như thế nào, cần phải làm rõ. Trong trường không thu nhưng cha mẹ tự thu dưới lớp mà nhà trường không nắm thì có thể xảy ra một vài nội dung thu chi không phù hợp, sẽ cần có sự kiểm soát, hướng dẫn rõ hơn từ phía nhà trường để thực hiện theo đúng thông tư” – ông Phạm Đăng Khoa nêu rõ.
Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM cho biết, trách nhiệm của hội CMHS rất lớn, các hoạt động trong nhà trường hội CMHS nên tham gia, động viên tinh thần, cùng đồng hành với nhà trường. Khi dư luận phản ánh thì hội CMHS phải là người đứng ra chứ không quy về hết cho nhà trường. Nếu thấy thông tin là chính xác thì cần mạnh mẽ trao đổi với nhà trường, giáo viên…
“Hầu hết CMHS rất đồng thuận với xã hội hóa giáo dục, tuy nhiên không lạm thu. Nếu cơ sở vật chất, nội dung nào tận dụng được thì các trường nên tận dụng không lạm thu. Còn nếu không thu quỹ CMHS rất khó cho các hoạt động của trường đi vào chiều sâu” – ông Bình nhìn nhận.
Giang Quân
Bình luận (0)