HS Trường THPT Võ Trường Toản đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn |
Chọn trường nào phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu nhân lực… là những vấn đề được học sinh (HS) Trường THPT Võ Trường Toản đề cập trong buổi hướng nghiệp tuyển sinh 2012 “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày 10-3.
ĐH không phải là con đường duy nhất
Tại buổi tư vấn, nhiều HS cho rằng năng lực bản thân chưa đủ để thi vào ĐH nên các em muốn tìm một trường trung cấp hay CĐ nghề để khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ngay. Em Trương Thị Thùy Trang (HS lớp 12C9) chia sẻ: “Năng lực học tập của em chỉ ở mức trung bình, nếu thi vào ĐH chắc chắn em sẽ rớt. Gia đình em làm nghề may gia công, em muốn học ngành kỹ thuật may ở các trường trung cấp để khi tốt nghiệp sẽ về giúp gia đình phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, ba mẹ em lại muốn em thi vào ĐH giống nhiều bạn khác”. Hay em Phan Thị Tường An (HS lớp 12C2) cho biết: “Em thấy năng lực bản thân chưa đủ để thi vào ĐH, chính thầy cô cũng tư vấn cho em chọn các trường CĐ hoặc trường nghề nhưng bản thân em và gia đình vẫn muốn thử sức thi vào ĐH vì đây là con đường tốt nhất cho tương lai của em. Vậy em phải làm như thế nào?”.
Đối với các trường hợp này, ThS. Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – đưa ra lời khuyên: “Ngoài sở thích, HS cần chú ý đến năng lực của bản thân. Chẳng hạn, nếu các em có nguyện vọng trở thành kỹ sư thì căn cứ vào điểm kiểm tra các môn toán, lý, hóa lớp 12 (đạt điểm 9-10) có thể chọn các ngành của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Nhưng nếu học lực ở mức độ khá, HS nên chọn những trường lấy khoảng 15-16 điểm như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM… Còn học lực ở mức trung bình thì trường CĐ hay trường nghề là lựa chọn tốt nhất cho các em. Sau đó các em có thể học liên thông để trở thành những kỹ sư như mong muốn”.
Nhiều cơ hội khi chọn trường nghề
“Mất bao lâu để học liên thông từ CĐ lên ĐH? Bằng liên thông có gọi là bằng chính quy hay không?…” Đó là câu hỏi của em Thanh Hằng (HS lớp 12C8).
“Chương trình đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT là 1,5 năm. Bằng ĐH liên thông không có gì khác so với bằng của sinh viên theo học 4 năm chính quy ở trường ĐH. Nếu có khác thì chính là nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra xem năng lực, kỹ năng, tay nghề của sinh viên như thế nào mà thôi”, ThS. Đoàn Anh Tú – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Tài chính Marketing cho biết.
Một em HS khác thắc mắc: “Học lực của em chỉ ở mức trung bình nên em tính học ngành khai thác bưu chính viễn thông hệ trung cấp. Sau khi học xong trung cấp, trường có đào tạo liên thông không? Cơ hội việc làm như thế nào?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn – cho biết ngành khai thác bưu chính viễn thông đào tạo hệ trung cấp, hiện trường chưa liên kết với các trường CĐ khác để đào tạo liên thông. Trường tổ chức xét tuyển, nếu HS đã tốt nghiệp THPT thì học 24 tháng, còn HS chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì học 27 tháng. Đây là một trong những ngành đang thiếu nhân lực nên HS của trường chưa tốt nghiệp đã có đơn đặt hàng từ các bưu điện.
Em Đình Nguyễn Hạnh Phúc (HS lớp 12C6) hỏi: “Ngành cơ khí ô tô của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có liên thông lên ĐH hay không và trường có những chính sách nào hỗ trợ cho HS?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Tôn Thất Tín – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – cho biết không chỉ ngành cơ khí ô tô mà rất nhiều ngành khác của trường có liên kết đào tạo liên thông lên ĐH với nhiều trường ĐH. Đây là trường công lập nên các em sẽ được hưởng các chế độ chính sách giống các trường công lập khác…
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)