Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phân luồng học sinh sau THCS: Bài 1: Bỏ học giảm nhờ tư vấn tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh tư vấn phân luồng HS cho phụ huynh HS lớp 9

Nhiều trường trên địa bàn TP.HCM đang đẩy mạnh công tác tư vấn phân luồng học sinh (HS) sau THCS nhằm giúp các em chọn trường đúng với năng lực của bản thân.
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp
Chị Nguyễn Thị Thanh (ở quận 3), lo lắng: “Con tôi năm nay học lớp 9, học lực của cháu ở mức trung bình. Trong khi điểm đầu vào các trường THPT công lập trên địa bàn quận 3 những năm gần đây khá cao, ít nhất phải đạt 30 điểm mới thi đỗ. Tôi thật sự lo lắng vì nếu cháu không vào được trường THPT công lập thì con đường tương lai của cháu không biết thế nào?”. Và đó cũng chính là nỗi băn khoăn của các phụ huynh có con đang học lớp 9.
Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp quận Bình Tân, cho biết: “Sau THCS, HS sẽ được phân luồng theo 5 hướng: Vào trường THPT công lập, THPT tư thục, trung tâm GDTX, TCCN và lao động sản xuất. Đây là những con đường mà PH và HS cần cân nhắc kỹ, chọn trường nào phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu nhân lực địa phương”.
Ông Nghĩa cho biết thêm, nhiều năm qua Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận Bình Tân đã thực hiện khá tốt công tác tư vấn phân luồng cho HS. Không chỉ đến tận trường THCS làm chuyên đề phân luồng hướng nghiệp cho HS 9 tiết/ năm theo quy định của Bộ GD-ĐT mà trung tâm còn tổ chức tư vấn cho các bậc phụ huynh. Ông Nghĩa nói: “Từ năm 2005, chúng tôi đã tổ chức tư vấn phân luồng cho phụ huynh và HS lớp 9 ở một số trường thí điểm, đến nay công tác này được triển khai đại trà. Ngoài ra, HS còn được đến tham quan các trường CĐ và trung cấp. Với việc làm này, tỷ lệ HS bỏ học của quận Bình Tân giảm hẳn, năm vừa qua gần 100% em đều có chỗ học”.
Giống như quận Bình Tân, để giảm áp lực căng thẳng cho HS, nhiều quận huyện khác đã tổ chức tư vấn chọn trường không chỉ cho HS mà còn mời phụ huynh và các đoàn thể cùng tham gia. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trong việc vận động, tuyên truyền, nhiều quận huyện ở TP.HCM đã tổ chức thực hiện các mô hình đẩy mạnh công tác phân luồng cho HS rất hay. Chẳng hạn như quận 8, Phòng GD-ĐT phối hợp với các trường TCCN và trường THCS trên địa bàn lên kế hoạch chi tiết để nếu HS không vào trường THPT công lập thì sẽ học nghề, hay Phòng GD-ĐT quận Tân Phú phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp cải tiến bài giảng, cách thức hướng nghiệp nhằm thu hút HS hơn…”. Thông thường, tại các buổi tư vấn hướng nghiệp, các đơn vị cho các em HS lớp 9 làm một bài test trắc nghiệm để xem năng lực, sở thích của các em phù hợp với ngành nghề gì…
Việc đẩy mạnh công tác phân luồng HS sau THCS mang đến kết quả rất khả quan, đó là tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể. Theo số liệu báo cáo của 9 quận và 3 huyện gửi về cho Sở GD-ĐT TP.HCM trong 3 năm học (2007-2008, 2008-2009, 2009-2010), tình hình HS sau THCS tiếp tục đi học phổ thông là 90,31%; học GDTX là 3,5%; học TCCN 2,08%; học TC nghề 0,26%; học nghề ngắn hạn 0,13%.    
Cần có sự phối hợp từ nhiều phía
Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác phân luồng cho HS sau THCS hiện vẫn còn gặp khó khăn. Cô Lâm Hồng Lê Phy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận 3), chia sẻ: “Được sự giúp đỡ tích cực của Sở GD-ĐT, công tác phân luồng cho HS tại trường chúng tôi có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như bộ phận làm công tác tuyên truyền chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên môn công nghệ, chưa có các chuyên gia về trường hỗ trợ; phụ huynh vẫn còn mang tâm lý “trọng thầy khinh thợ” nên chưa đồng tình với chủ trương không có khả năng học công lập thì vào các trường nghề…”.
Bên cạnh đó có nhiều ý kiến cho rằng, cản trở lớn nhất cho công tác phân luồng chính là nhận thức xã hội. “Xã hội còn quá coi trọng bằng cấp, hầu như phụ huynh đều mong muốn con học trường THPT công lập để có được tấm bằng tú tài cho bằng con bạn bè” – thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) nói.
Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng công tác phân luồng và tư vấn hướng nghiệp hiện chưa được phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; hệ thống các trường chuyên nghiệp phát triển chưa đồng bộ, chưa khẳng định được uy tín, học hiệu, mô hình tiên tiến để hấp dẫn người học…
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)