Cô Diệu Huyền đang vui chơi với các bé lớp 4D. Ảnh: CTV |
“Chưa tới 7 giờ sáng đã phải có mặt ở trường, hơn 5 giờ chiều – các cháu về hết mới được về nhà. Một ngày, hơn 10 tiếng đồng hồ quấn lấy các cháu, về đến nhà là mệt rã rời… Cái tôi được là tình yêu thương của trẻ, sự tôn trọng của phụ huynh”, cô Lê Trần Diệu Huyền, giáo viên lớp 4D Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, Q.3, TP.HCM tâm tự.
Gia đình phản đối kịch liệt
Diệu Huyền kể: “Là con út nên tôi rất thích trẻ con, thường sang nhà hàng xóm để chơi với các em. Lớn lên, tôi nuôi ước mơ làm cô giáo mầm non. Nào ngờ, gia đình phản đối kịch liệt. Không chỉ ba má mà các anh chị cũng phản đối…”. Theo Huyền, lý do gia đình phản đối là vì mọi người chưa nhận thức đúng về nghề giáo viên mầm non. Ba má Huyền cho rằng, nghề giáo viên mầm non là suốt ngày ca hát nhảy múa với trẻ, rồi cho trẻ ăn, dọn vệ sinh cá nhân… Ngoài ra, còn phải làm đồ chơi cho trẻ. Nhưng quan trọng hơn là nghề này không được xã hội tôn trọng mà lại rất cực nhọc.
Mặc gia đình ngăn cản, năm 2000, Diệu Huyền vẫn làm hồ sơ thi vào Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM. Ngoài ra, Diệu Huyền còn thi thêm vào Trường CĐ Kinh tế. Kết quả đậu cả hai trường nhưng cô quyết định học sư phạm. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, trước sự cương quyết của cô, gia đình đành phải chấp nhận.
Năm 2004, Diệu Huyền xin vào Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, Q.3 dạy. Với tình yêu trẻ cùng những kiến thức được học ở trường, càng làm việc Diệu Huyền càng yêu nghề hơn. Khác với những ngành nghề khác, công việc ngày nào cũng như ngày nấy. Nghề cô nuôi dạy trẻ thì khác, mỗi ngày một niềm vui. Ngay cả khi trẻ khóc, Diệu Huyền cũng có bí quyết làm cho trẻ cười.
Với chương trình giáo dục mầm non mới, công việc của giáo viên mầm non đã bớt cực nhọc hơn trước. Chẳng hạn như việc làm đồ dùng dạy học, trước đây chỉ một mình cô làm, nay thì cả cô và cháu cùng làm. Điều đó càng gắn chặt mối quan hệ tình cảm giữa cô và cháu, tạo niềm tin của trẻ đối với cô…
Hai học sinh đặc biệt
Sau 8 năm đứng lớp, Diệu Huyền có cả ngàn học sinh – những đứa trẻ đáng yêu. Tuy nhiên, có hai em học sinh mà cô rất ấn tượng.
Năm 2008, trong lớp của Diệu Huyền có bé Thảo Nguyên. Thông thường thì học sinh lớp Chồi (4 tuổi) của Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 đều lên từ lớp Mầm. Tuy nhiên bé Thảo Nguyên là trường hợp ngoại lệ, mãi 4 tuổi mới vào trường. Vốn là trước đó, Thảo Nguyên học ở trường quốc tế nên tính tình khá “Tây”. Ông bà, ba mẹ hỏi, em thường trả lời cộc lốc: “Yes” hoặc “no”. Bé không biết chào hỏi ai, thích làm gì thì làm.
Khi học Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, Thảo Nguyên cũng đem theo cái tính bướng bỉnh này tới lớp. Tại đây, cô Diệu Huyền đã dạy cho Thảo Nguyên biết nghe lời người lớn, không còn trả lời “yes, no” như trước đây nữa. Và không hiểu từ lúc nào, Thảo Nguyên đặc biệt quý mến cô giáo.
Khi lên lớp lá (5 tuổi), bé khóc lóc đòi ba mẹ phải đưa xuống lớp cô Diệu Huyền. Thế là thời gian đầu, mỗi ngày cô Diệu Huyền đều dành ít phút để lên lớp Thảo Nguyên dỗ dành. Sáng thứ bảy hàng tuần, theo “thỉnh cầu” của gia đình, cô đến nhà vui chơi với em…
Một trường hợp khác là bé Minh Thiện, hiện đang học tại lớp 4D. Minh Thiện bị tăng động và chậm phát triển ngôn ngữ. “Đầu năm học, Minh Thiện hầu như không biết nói, không biết tự điều chỉnh hành vi. Bé muốn đi tiêu, tiểu là tự đi ra quần. Bé thường xuyên đánh, cắn bạn và không chịu nghe lời cô giáo. Cá biệt, khi cô phạt, bé còn đá… cô”, cô Diệu Huyền kể lại.
Mỗi khi Minh Thiện cắn bạn, cô chỉ vào vết thương của bạn và nói với em: “Con cắn như vậy bạn rất đau, con phải xin lỗi bạn”. Rồi khi bé tiểu, tiện ra quần, cô dặn: “Khi đi vệ sinh, con phải gọi cô”… Mưa dầm thấm lâu, bằng tình thương và sự kiên trì, cuối cùng cô Diệu Huyền cũng khiến Minh Thiện thay đổi.
“Sang học kỳ II này, bé đã tiến bộ rất nhiều. Không còn đánh, cắn bạn hay khi đi tiêu, tiểu đã biết gọi cô. Bé cũng đã biết hát, biết đọc thơ…”, cô Diệu Huyền khoe.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)