Thời gian gần đây, bạo lực học đường đã trở thành nỗi bận tâm, lo lắng của toàn xã hội. Mọi người đều muốn truy tìm nguyên nhân để sớm ngăn chặn vấn nạn này. Theo tôi, học sinh hiện nay thường giải quyết bằng bạo lực phải chăng do ảnh hưởng từ phía gia đình?
Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào khỏe thì cơ thể mạnh. Tế bào bệnh tật thì cơ thể yếu ớt. Sống trong bạo lực gia đình một thời gian dài, chắc chắn tâm hồn non trẻ của các em sẽ bị ảnh hưởng (hình ảnh chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con, anh em đánh nhau… xảy ra hàng ngày). Trẻ em sống trong môi trường bạo lực ngày này sang ngày khác sẽ vô tình nghĩ rằng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực là chuyện bình thường và các em sẽ dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề ở nhà trường, ngoài xã hội. Chưa kể một số cha mẹ vì thương con, bênh vực con đã dạy con xử lý mọi việc bằng bạo lực chứ không bằng đối thoại. Nhiều lần tôi đã chứng kiến phụ huynh la mắng con mình: “Đồ ngu, sao nó chọc ghẹo hoài mà mày không đập vào mặt nó cho tao”, hoặc “Cho mày học võ làm gì mà cứ để người ta ăn hiếp hoài”… Hay cả một gia đình kéo lên trường khi nghe con mình bị bạn đánh để “xử đẹp nó” làm các thầy cô phải ra sức can ngăn. Một số gia đình luôn xem phim bạo lực, kinh dị. Ở lứa tuổi chưa thành niên thì những nhân vật trong các bộ phim ấy như là “người hùng” vì sự mạnh mẽ, dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với cái chết miễn sao chiến thắng. Tất cả những điều trên đã ăn sâu vào tâm trí trẻ và trẻ cho rằng giải quyết bằng bạo lực là giải pháp hữu hiệu để chiến thắng và để mọi người khâm phục, nể nang.
Để trẻ ngoan ngoãn, hiền lành, biết giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại đó là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giáo dục của gia đình là điều hết sức quan trọng. Bởi lẽ ở lứa tuổi chưa thành niên, thời gian các em ở bên gia đình rất nhiều và hành động, lời nói, cử chỉ của cha mẹ là hình ảnh mẫu gần gũi nhất mà các em học tập.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)