Người thầy phải luôn gắn kiến thức chuyên môn với định hướng giá trị, giữa dạy chữ với dạy người (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh |
Một giáo viên bày tỏ quan điểm với chúng tôi về công việc của mình: “Tôi dạy môn toán thì định hướng đạo đức thế nào? Hết nội dung là tôi hoàn thành nhiệm vụ. Còn dạy cách ứng xử, dạy làm người thuộc về giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp. Chúng tôi dạy kiến thức chứ đâu có thời gian để giáo dục đạo đức”.
Lâu nay những “vấn nạn” học đường luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Có ý kiến cho rằng các tổ chức xã hội còn ít quan tâm; gia đình chưa thực sự là nền tảng giáo dục đạo đức lối sống cho các em. Đặc biệt, nhiều ý kiến tập trung vào vai trò của GVCN chưa được phát huy. Vậy còn giáo viên bộ môn thì sao? Những “vấn nạn” học đường người ta thường đổ lỗi do GVCN. Học sinh chơi bời, bỏ học, bạo lực học đường… là do GVCN; học sinh vô cảm, quay clip xấu tung lên mạng… đều do GVCN.
Thực tế bản thân GVCN thường phải “tự nhận” trách nhiệm quản lý đối với vấn đề liên quan đến học tập, sinh hoạt tại trường của học sinh. Nếu cứ tập trung đổ lỗi cho đội ngũ này thì chúng ta lại vô tình áp đặt ý kiến chủ quan, dẫn đến sai lầm về cách nhìn nhận; đánh giá thiếu khách quan. Ở trường phổ thông, sự phát triển của học sinh còn phụ thuộc vào một hệ thống các chủ thể, bên cạnh GVCN là đội ngũ giáo viên bộ môn, ban giám hiệu, tổ chức Đoàn… đều có trách nhiệm quan trọng. Trong số đó, giáo viên bộ môn là những người ảnh hưởng trực tiếp đối với sự hình thành và phát triển nhân cách người học.
Tại điều khoản 1, điều 5 Luật Giáo dục 2005 quy định về yêu cầu nội dung cần đạt được như sau: “Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học”. Như vậy, quy định này đề cập đầy đủ những yêu cầu đạt được về nội dung giáo dục trong sự phát triển nhân cách người học. Điều đó cũng có nghĩa là giáo viên bộ môn không chỉ truyền đạt tri thức mà còn có trách nhiệm hình thành những phẩm chất nhân cách của người học, là dạy chữ phải đi đôi với dạy người.
Trên thực tế, về “vấn nạn” học đường trong thời gian qua, không ít nguyên nhân bắt nguồn từ giáo viên bộ môn. Hiện tượng giáo viên thiếu mẫu mực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không tôn trọng nhân cách người học, giáo viên dùng câu từ “chợ búa” với học sinh, rồi hiện tượng chấm điểm thiếu khách quan của một số ít giáo viên… vô hình trung làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống học trò. Cơ chế bắt chước, tập nhiễm phần nào để lại dấu ấn và hành vi ở người học. Trong giảng dạy còn có hiện tượng giáo viên không biết định hướng nội dung bài học. Điều đó cho thấy bản thân họ nhận thức chưa hết vai trò của mình, hay đúng hơn là yếu kém về ý thức, trách nhiệm của người thầy. Từ ngôn ngữ, lời nói, sự truyền xúc cảm, tình cảm, quyết tâm đến người học, đánh giá khách quan, cá biệt hóa trong dạy học… đều có ảnh hưởng đến nhân cách học sinh. Đúng như GS.VS Phạm Minh Hạc đã khẳng định: “Chúng ta mới chú ý đến việc dạy chữ và một phần nào đó là dạy nghề, còn việc dạy làm người chưa được quan tâm thích đáng. Nhà trường cần thay đổi, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức”.
Như vậy, không nên trăm dâu đổ đầu tằm cho GVCN. Mỗi giáo viên bộ môn phải thực sự là những người gần gũi để chia sẻ, là điểm tựa tinh thần, luôn là tấm gương sáng về nhân cách. Phải gắn giữa kiến thức chuyên môn với định hướng giá trị, giữa phẩm chất và năng lực, giữa dạy chữ và dạy người. Họ thực sự phải đóng vai trò gánh vác ba con người “nhà chuyên môn, nhà tâm lý – giáo dục, và là người bạn chân thành” để giúp học sinh hoàn thiện và phát triển nhân cách.
Nguyễn Văn Công
(giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)