Tận dụng sông rạch để làm bể bơi của học sinh. Trong ảnh học sinh Trường TH Thạnh Lộc 2 tập bơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên thể dục
|
TP.Cần Thơ, cũng như các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm đều phải đối mặt với những hiểm nguy của mùa lũ. Để nâng cao độ an toàn cho học sinh, nhiều năm nay Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện triển khai chương trình tập bơi cho học sinh tiểu học và THCS.
“Xóa mù” bơi cho học sinh
Nằm kế tỉnh Kiên Giang và An Giang, vào mùa nước nổi địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) phải đương đầu với con nước lớn tràn về làm ngập đồng ruộng và nhiều tuyến đường giao thông. Trẻ đi học hoặc trong sinh hoạt nếu không cẩn thận rất dễ bị tai nạn đuối nước. Từ năm học 2009-2010, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo các trường phải đẩy mạnh công tác tập bơi cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 9. Vì không phải là môn học chính khóa nên Phòng GD-ĐT chủ trương đưa công tác này vào chương trình ngoại khóa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Ban giám hiệu các trường tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh học sinh nhận thức nguy hiểm của tai nạn đuối nước, và tùy điều kiện thực tế để lập kế hoạch thực hiện chương trình “xóa mù” bơi cho các em… Một số trường có cách làm hiệu quả, chẳng hạn Tiểu học Thạnh Lộc 2 ở ấp vùng sâu Tân Thạnh. Do chỉ có một giáo viên dạy thể dục nên nhà trường kêu gọi sự cộng tác của phụ huynh. Giáo viên dạy thể dục của trường hướng dẫn động tác kỹ thuật bơi cho học sinh trên bờ vào các sáng thứ bảy, sau đó chia từng nhóm 20 em thực tập trên sông vào sáng chủ nhật. Nếu buổi sáng nước ròng thì đợi con nước lớn vào buổi chiều. Những học sinh có cha mẹ hướng dẫn thì thực tập tại nhà. Kiên trì tập luyện, đồng thời trường thành lập đội tuyển môn bơi lội, trong đó có những em đạt huy chương vàng, huy chương bạc trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp, thành quả trên chinh phục nhiều phụ huynh và họ có ý thức động viên con tập luyện. Đến nay trường chỉ còn 110 trong tổng số 451 học sinh chưa biết bơi…
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của huyện Vĩnh Thạnh khi triển khai là địa điểm tập bơi! Tiếng là miền sông nước nhưng nhiều phụ huynh không muốn cho con xuống nước vì hầu hết kênh rạch bị ô nhiễm nặng do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là từ lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu thải xuống sông trong sản xuất lúa, hoặc nước thải nuôi trồng thủy sản… nhiều người mắc các bệnh về da sau khi tiếp xúc nguồn nước này. Muốn tập bơi phải chờ con nước lớn nhưng không phải phụ huynh nào cũng rảnh tay đúng vào thời điểm nước lên để hướng dẫn con. Có những trường, gần 40% học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo nên khó trông vào “xã hội hóa” để có kinh phí… Để khắc phục, một số đơn vị có cách làm rất hiệu quả, cụ thể là Trường Tiểu học Thạnh Mỹ 2. Trường thành lập tổ bơi lội ba người là giáo viên có sức khỏe tốt, nhiệt tình với công tác phong trào. Trường tổ chức điều tra số học sinh chưa biết bơi, sau đó thông báo với phụ huynh những em này, vận động họ đưa con đến trường vào chiều các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm để tập luyện. Thầy Đặng Văn Sáu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ 2 – cho biết: “Quá trình triển khai có một số phụ huynh không hợp tác, chúng tôi phải kiên trì thuyết phục, giúp bà con hiểu tầm quan trọng của bơi lội đúng kỹ thuật đối với trẻ, ngoài ra chúng tôi dẫn chứng hiệu quả: Khi biết bơi học sinh có thể tự mình đến trường dù trời mưa bão. Các em an toàn khi tắm sông, khi mò cua, bắt cá, không sợ sẩy chân chết đuối. Phải tai nghe mắt thấy như vậy bà con mới tin và đồng ý cộng tác”… Với cách làm “vô vụ lợi” trên, đến nay chỉ còn 60/310 em chưa biết bơi, hầu hết là học sinh lớp 1.
100% học sinh từ lớp 2 đến lớp 9 sẽ biết bơi
Đến nay huyện Vĩnh Thạnh có gần 75% học sinh tiểu học trong tổng số 9.852 em đã biết bơi an toàn. Khối THCS có 5.092 học sinh, còn 641 em chưa biết bơi. Một số em có chân trong Đội tuyển môn bơi lội của TP.Cần Thơ tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm nay… Bà Quách Thị Thu Hương – Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh – cho biết: “Nhiều năm nay Vĩnh Thạnh không có học sinh tử vong do tai nạn đuối nước. Những năm gần đây khi lũ về, đỉnh lũ cao tới đâu Vĩnh Thạnh cũng ít khi phải cho học sinh nghỉ học dài ngày. Phòng GD-ĐT huyện đang đôn đốc các trường phấn đấu đạt 100% học sinh từ lớp 2 đến lớp 9 nắm được kỹ thuật bơi an toàn trong thời gian sớm nhất”.
Tuy nhiên mục tiêu trên không đơn giản, bởi nhiều nguyên nhân, ngoài vấn đề thầy trò phải lệ thuộc vào con nước khi thực tập còn là do một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm hoặc chủ quan cho rằng đã dạy con bơi lội mà không biết con họ chỉ bơi tối đa 7m – thuộc dạng phổ thông; trong khi để đạt chuẩn an toàn thoát đuối phải bơi được ít nhất 15m… Trước hạn chế trên, bà Thu Hương trao đổi: “Phòng GD-ĐT phối hợp ban ngành và chính quyền địa phương tiếp tục vận động, thuyết phục phụ huynh đồng thời chỉ đạo các trường thành lập những câu lạc bộ thể dục thể thao, trong đó chú trọng môn bơi lội. Chúng tôi tin kết quả nhiều mặt mang lại cho học sinh từ phong trào này sẽ giúp phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề”.
Bên cạnh đó bà Thu Hương mong muốn các tổ chức và mạnh thường quân hỗ trợ học sinh khối lớp 1 áo phao và cặp phao để bảo đảm an toàn cho các em trong mùa mưa lũ. Đồng thời cũng rất mong ngành chủ quản đầu tư xây dựng hồ bơi nhân tạo góp phần giúp học sinh có nơi luyện tập an toàn vì hiện nay, việc thực hành bơi lội hoàn toàn phụ thuộc vào kênh rạch, trong khi không ít thời điểm con nước lớn vào ban đêm hoặc trong giờ học của học sinh. Bà Thu Hương nhấn mạnh: “Hồ bơi nhân tạo bảo đảm an toàn cho học sinh trong thực tập, giúp thanh thiếu niên có nơi vui chơi lành mạnh, luyện tập tăng cường sức khỏe đồng thời giúp huấn luyện các kỹ thuật cao trong môn bơi lội cho đội tuyển của huyện…”.
Bài, ảnh: ĐAN PHƯỢNG
Với cách làm “vô vụ lợi”, nhiều phụ huynh rất phấn khởi trước thành quả mà Trường Tiểu học Thạnh Mỹ 2 đã thực hiện. Chị Phạm Thị Bích, ấp Đất Mới, bộc bạch: “Con tui học lớp 2, sau ba tháng luyện tập đã biết lội. Trước đây vào mùa mưa lũ hoặc khi giông bão, bữa nào mắc công chuyện không thể đưa con đến trường là cháu phải nghỉ học. Bây giờ tui an tâm rồi”. |
Bình luận (0)