Ông Trần Anh Tuấn trả lời các băn khoăn của HS trong một buổi tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
|
Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2012 đã qua gần nửa thời gian, tuy nhiên vẫn còn không ít học sinh lớp 12 băn khoăn về nhu cầu nhân lực (NCNL) của Việt Nam trong 5 năm tới như thế nào? Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo NCNL và thông tin thị trường lao động TP.HCM – xung quanh vấn đề này để các em học sinh có quyết định sáng suốt hơn trong việc chọn ngành nghề.
PV: Xin ông cho biết nguồn nhân lực hiện tại của TP.HCM như thế nào?
– Ông Trần Anh Tuấn: Theo kết quả khảo sát phân tích thông tin nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp (DN), có thể nhận định năm 2012 thị trường lao động (TTLĐ) thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, biến động. Dự kiến, NCNL thành phố năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới. TTLĐ giảm sự sôi động về số lượng và theo chiều hướng nâng cao chất lượng.
Vậy trong tương lai, TTLĐ TP.HCM thay đổi như thế nào? Khoảng 5 năm tới, nhóm ngành nghề nào sẽ thu hút nhiều nhân lực của thành phố?
– Năm2012 và những năm tới, TTLĐ TP.HCM (về nhu cầu việc làm) tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô DN… tạo nhiều chỗ làm mới, thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt là nhu cầu việc làm chất lượng cao.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực TP.HCM giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2011-2015 ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và CNTT, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm). Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng NCNL tại thành phố như: Quản lý kinh tế – kinh doanh – quản lý chất lượng; du lịch – nhà hàng – khách sạn, marketing – nhân viên kinh doanh; tài chính – ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý) – kế toán – kiểm toán; tư vấn – bảo hiểm; pháp lý – luật; nghiên cứu – khoa học; quản lý nhân sự – tổ chức…
Trước đây ngành tài chính – ngân hàng hay CNTT được xem là các ngành “hot”, nhưng hiện nay nhiều SV tốt nghiệp những ngành này không kiếm được việc làm. Đây có phải là hậu quả của việc ồ ạt chạy đua theo ngành “hot”? Trong 5 năm tới, liệu ngành tài chính – ngân hàng có còn thu hút như trước đây không, thưa ông?
– Qua khảo sát của chúng tôi, những năm qua và hiện nay, cung – cầu nhân lực luôn diễn biến nghịch lý. Trong khi nguồn lao động phổ thông thiếu thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, CĐ, ĐH ở các ngành nghề quản lý điều hành, tin học, kế toán, quản lý nhân sự – hành chính văn phòng, tài chính – ngân hàng… vẫn thừa lao động có trình độ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015 và xu hướng đến năm 2020, tại TP.HCM, NCNL ngành tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng 3% tổng số nhu cầu việc làm hàng năm (khoảng 8.000-10.000 người/năm), chưa kể nhân lực cần thay thế các vị trí đang làm việc tại nhiều ngân hàng do yêu cầu tái cơ cấu và phát triển hệ thống ngân hàng. Kinh tế càng phát triển thì NCNL nhóm ngành tài chính – ngân hàng càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ngân hàng, tư vấn, phân tích tín dụng, quản lý rủi ro, marketing và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, tài chính mới… Người học ngành tài chính – ngân hàng không chỉ hoàn toàn làm việc tại các ngân hàng là thành công, nhiều vị trí khác như chứng khoán, tài chính DN, tài chính cơ quan sự nghiệp thuộc các thành phần kinh tế luôn cần kiến thức chuyên ngành tài chính – ngân hàng.
Hiện rất nhiều thí sinh quan tâm đến ngành truyền thông đa phương tiện và có thể nói đây là một trong những ngành đang “hot”. Nếu thí sinh tập trung thi vào thì khi tốt nghiệp ngành này có còn thu hút nhân lực nữa không, thưa ông?
– Tại Việt Nam, truyền thông đa phương tiện là ngành đang phát triển. Cùng với sự phát triển nhanh ở các lĩnh vực quảng cáo trên báo in, truyền hình, internet, sản xuất game, web, truyền thông… thì ngành truyền thông đa phương tiện đang thu hút giới trẻ học nghề và làm việc. Việc chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu DN, yêu cầu của nền kinh tế là rất cần thiết đối với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đây là điều mà các em còn lúng túng, đa số chỉ chọn nghề khi cho rằng nó “hot”, hoặc “dễ ăn”… Theo tôi, sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới. Vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các DN sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.
Để không phải lúng túng và có sự đầu tư tốt cho nghề nghiệp tương lai, các em cần tìm hiểu để có những hiểu biết nhất định về TTLĐ, về nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng… Vấn đề mấu chốt là mỗi người phải xác định được tâm huyết theo sở trường cá nhân, chọn ngành học phù hợp năng lực, sức khỏe, sở trường và phù hợp nhu cầu xã hội.
Bài, ảnh: Dương Bình
Việc chọn ngành nghề học phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu DN, yêu cầu của nền kinh tế là rất cần thiết đối với giới trẻ. |
Bình luận (0)