Nằm ở ngoại ô Hà Nội, cách trung tâm thành phố chưa đầy 20km, lớp Hán Nôm Sao Khuê miễn phí của ông Nguyễn Nghiêm Đạt (xóm Đình, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) được nhiều bạn trẻ tìm đến để nhập môn.
Bạn Nguyễn Thị Thúy (sinh viên năm 2 Trường CĐ Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Học chữ Hán Nôm khó nhưng vì yêu thích học chữ và cảm kích trước tấm lòng tận tâm của thầy Vết (tên thường gọi của ông Đạt) nên tôi có thêm động lực để học”.
Thầy đồ Vết (thứ hai từ trái qua) trong một lần đưa học trò đi xem triển lãm thư pháp. (Ảnh: Văn Tuấn)
Chẳng ngại nắng mưa hay mùa đông lạnh rét, cứ đều đặn sáng chủ nhật hằng tuần Thúy lại tranh thủ đạp xe đến lớp Sao Khuê để học. Thúy còn rủ thêm bạn bè cùng trường đi học chữ Hán Nôm.
Bạn Nguyễn Trung Hiếu (sinh viên năm 1 Học viện Kỹ thuật quân sự) là một trong những môn sinh lâu năm của lớp học Sao Khuê. Khi Hiếu mới 12, 13 tuổi đã được bố mẹ đưa đến lớp Hán Nôm của thầy giáo Vết, đến nay Hiếu đã có thể viết thư pháp thành thạo chẳng kém gì một ông đồ thực thụ.
Hiếu chia sẻ: “Ban đầu đến với môn học chỉ nghĩ rằng học cho biết thôi, nhưng càng về sau càng thấy đam mê với môn học nghệ thuật này. Trên lớp thầy không chỉ luyện chữ mà còn giảng đạo làm người nên mình cũng vỡ ra được nhiều điều. Nhờ vậy mà bản thân mình sống và suy nghĩ chín chắn hơn”.
Với quan điểm học để thành nhân và ai cũng là thầy để cho ta học hỏi, thế nên ông đồ Vết không chỉ rèn chữ mà còn đề cao việc rèn nhân cách cho học trò. Đến nay, lớp học Hán Nôm Sao Khuê đã có hơn 400 môn sinh tốt nghiệp. Học trò muốn theo học phải làm lễ nhập môn, có cha mẹ đưa đến và mang theo lá trầu quả cau với thẻ hương.
Ông Vết giải thích làm như vậy để học trò hiểu được truyền thống tôn sư trọng đạo. Học trò đi học phải chuẩn bị đầy đủ nghiên, bút, mực tàu. Thầy dạy trò cách mài mực và học viết bút lông như học trò ngày xưa, có như vậy trò mới rèn được tính kiên trì.
Bạn Nguyễn Nhật Anh (sinh viên năm 2 ĐH Hà Nội) là một trong những học trò xuất sắc của lớp học Sao Khuê tâm sự: “Thầy dạy cho chúng mình biết được nhiều chữ đồng thời hiểu hết nghĩa của chữ. Thầy rất chú trọng đến nhân – nghĩa – lễ – trí – tín, những nề nếp gia phong hay đạo lý làm người, cách ứng xử giao tiếp với người trên kẻ dưới. Chính vì vậy mà từ khi học thầy, những người trẻ như mình sống tốt hơn với ông bà, cha mẹ và mọi người xung quanh”.
Ngoài những giờ học trên lớp, vào những dịp hội hè hay dịp tết, thầy giáo Vết còn tổ chức cho học trò đi viết chữ tặng mọi người. Bạn Nguyễn Thị Phương Anh (sinh viên năm 2 Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cười hóm hỉnh khoe: “Thầy khen mình viết tiến bộ hơn rất nhiều. Mình sẽ cố gắng luyện tập chăm chỉ để cùng thầy đi viết chữ tặng mọi người. Tết năm sau mình có thể tự tin viết chữ tặng ông bà, bố mẹ mình”.
Theo Xuân Dịu
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)