Không có ngày nào mà tôi không nghe cô giáo chủ nhiệm hay ít nhất một người than phiền về em T. (HS lớp 2/3), khi thì em phun nước miếng, khi thì em lấy thước chọi bạn, hay lấy đồ của bạn này giấu vào hộc bàn của bạn khác làm cho bạn bị la… Hỏi lí do thì em chối băng băng, hay đổ lỗi cho bạn khác, đôi khi nói những lời như người lớn: “Bắt tận tay tui lấy chưa, ai làm chứng, không bắt tận tay hay không có người làm chứng thì đừng đổ oan cho tui…” làm cho người lớn như tôi cũng phải dè dặt vì sợ xử oan em… Và lần nào cũng vậy mọi người khuyên nên gọi cho ba em, vì ba em nóng tính lắm, đánh… cho em chừa.
Tìm hiểu về gia đình T., tôi được biết mẹ đã bỏ em nhiều năm, ba đã lấy vợ khác. Không biết vì đoán theo kinh nghiệm người đời về “mẹ ghẻ con chồng” hay thấy thực tế mà một số người hàng xóm của gia đình em kể lại rằng: Ba T. hay đánh em vì nghe theo lời mẹ ghẻ mà không tìm hiểu kĩ… (Thực ra T. cũng hiếu động lắm, có thể ba tự đánh, đừng gieo tiếng ác cho mẹ kế).
Từ chuyện trên cho ta thấy rằng không phải cứ thương con cho roi cho vọt thì con sẽ ngoan.
Trường hợp em Kh. lại khác. Kh. không nghịch ngợm đánh bạn nhưng có thói hư là chôm đồ của bạn. Có hôm Kh. lấy luôn tiền của cô giáo nhưng sợ cô méc ba (ba đánh dữ lắm) nên đã tâm sự với ông bà ngoại là bị cô đánh vì nghi em lấy tiền của cô. Hỏi ra mới biết em có lấy tiền của cô thật nhưng đưa cho mẹ, mẹ giữ luôn nói rằng để dành đóng học phí. Trong khi chưa mời được gia đình để thông tin, em lại đi sang lớp khác lục cặp lấy một số đồ dùng của bạn… Khi mời được bà ngoại và mẹ lên thì bà ôm ấp cháu và nói: “Sao vậy con, đừng làm thế nữa nha”. Còn mẹ thì hăm như để “cho có”: “Ba mày mà biết được chắc đánh mày chết!”. Bà và mẹ không hề nhắc đến số tiền lớn Kh. đã lấy của cô giáo mà mẹ đã cầm… Hình ảnh mẹ như thế làm sao có thể làm gương cho con… Từ chuyện trên cho ta thấy, cưng con cưng cháu, không dạy một cách cứng rắn, người lớn không làm gương thì không thể mong có một đứa con ngoan.
Đa số những trẻ ngoan, học khá giỏi hoặc chí ít học yếu nhưng ngoan… đều được sinh ra trong gia đình hạnh phúc, có sự phối hợp giáo dục chặt chẽ giữa ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội…
Lệ Quyên (khu phố 3 – Thủ Đức)
Bình luận (0)