Các chuyên gia dinh dưỡng học đường cảnh báo, hàng ăn sáng lưu động trước cổng trường không đảm bảo an toàn, không những không đủ dinh dưỡng mà có nguy cơ “rước” bệnh.
Buôn bán hàng rong trước cổng trường TH Lê Quang Định (H.Nhà Bè)
Gần đây, khu vực trường học ở TP.HCM xuất hiện nhiều hàng lưu động bán thức ăn chế biến sẵn, đáp ứng tiêu chí nhanh, gọn cho học sinh. Chuyên gia dinh dưỡng lo ngại cho sức khỏe các em khi bản thân người bán còn tù mù về nguồn gốc và nguồn thức ăn này đang bị thả nổi, không kiểm soát.
Lo mà không sợ
Quầy bán đồ ăn sáng trước các cổng trường chỉ phục vụ mang đi. Thực đơn cũng đơn giản quanh đi quẩn lại với vài món như mì xào, xôi mặn, bánh mì ốp la và gần đây thì có thêm các món hơi Tây như cơm cuộn rong biển, hot dog, hamburger. Đây là những món được học sinh ưa thích. Chỉ với một chiếc bàn nhỏ đặt cố định trên yên xe máy, bày lên đó vài hộp xôi, thêm chai tương ớt, nước tương và thùng xốp đựng ly nước ngọt các loại đã được rót sẵn… “Đơn giản, gọn nhẹ mà lãi cao. Học sinh, nhất là các em tiểu học chỉ thích ăn xôi mặn, bánh mì, xúc xích vào buổi sáng. Mỗi phần có giá từ 10.000 – 20.000 đồng, bán chừng 30 phần/ ngày là sống được mà không cần phải vốn liếng nhiều”, người phụ nữ bán trước Trường TH Lê Quang Định (cơ sở 2), huyện Nhà Bè nói chắc nịch.
Đơn giản, gọn nhẹ mà lãi cao, theo người bán là chuẩn bị sẵn vài món đi kèm xôi, bánh mì… như chả lụa, lạp xưởng, ruốc là xong. Trẻ ít ăn rau, đồ chua nên càng khỏe. Số nguyên liệu này được mua ngoài chợ về trữ, chỉ việc cắt nhỏ ra, không cần phải nấu nướng vừa tốn công vừa nặng chi phí. Đấy là nói những người bỏ công chế biến đi bán kiếm lời. Tuy nhiên, hiện có không ít người bán hàng ăn sáng nhưng bếp không đỏ lửa, họ đi bán thuê hoặc nhờ người quen đặt hàng làm để đi bán. Bà Hồng là một trong số đó. Cứ 5 giờ sáng, bà Hồng đến nhà chủ lấy hàng, không chỉ có đồ ăn hộp, nước ngọt các loại mà còn có cả đồ chơi, tượng, màu, slime (chất nhờn ma quái)… “Bán đến khi nào học trò vô lớp thì về, còn hàng thì trả cho chủ và lấy 100.000 đồng. Mình lớn tuổi đi xin việc rất khó, đi bán vầy dễ chịu hơn, không phải lo bán ế, chi phí. Nếu không may xảy ra ngộ độc thực phẩm, mình cũng không lo về trách nhiệm”, bà Hồng cho biết.
Cũng có không ít người bán nhưng chẳng biết bếp đặt ở đâu, chủ tên gì. Qua người quen giới thiệu và đặt số phần, họ chỉ biết sáng ra điểm thì có người đến giao trả tiền liền. Bán được thì hưởng, còn bán ế thì “ôm”.
6 giờ 45, một phụ huynh chở con tấp vào hàng lưu động, hối người bán cho một hộp xôi để kịp giờ con vào lớp. Người bán nhanh tay mở hộp, thêm chút nước tương và tương ớt theo yêu cầu người ăn. Cu cậu mặt chưa tỉnh ngủ, uể oải cầm hộp xôi bước vào cổng trường.
“Phụ huynh ở đây đa phần là lao động nghèo, bữa sáng đảm bảo đủ no là mừng”, bà Lê Thị Hải, phụ huynh Trường TH Đặng Trần Côn, quận 4 nói.
Chị Hồ Thị Nga (công nhân may mặc ở KCX Tân Thuận) chia sẻ, do phải vô ca sớm nên nấu nướng buổi sáng không tiện. Hơn nữa chỉ có hai mẹ con nên bữa sáng ăn gì đó gọn gọn là xong. Hàng quán mà chị Nga chọn cho con không đâu khác là trước cổng trường. “Chở tới nơi, mua cho con hộp xôi, ổ bánh mì…, con cầm vào ghế đá ngồi ăn chờ giờ vô lớp, còn mình tranh thủ chạy cho kịp. Chỉ 10.000 – 15.000 đồng/ món, trong khi ăn một tô hủ tiếu nhỏ cũng mất 25.000 – 30.000 đồng. Nhìn sạch sẽ, không đến nỗi nào nên khá yên tâm”.
Nguy cơ “rước” bệnh
Tương tự, mỗi sáng bà Lê Thị Hòa chỉ mất khoảng 30.000 đồng cho bữa sáng của hai đứa cháu nội đang học tại một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh. Hôm nào đổi món cơm chiên, bánh mì ốp la thì cũng giá đó. Bà Hòa phân trần: “Giờ cho ăn ở đâu tụi nhỏ cũng không chịu, cứ đòi tới cổng trường, mua của người này người kia mới chịu ăn. Nhìn hộp xôi cũng không tệ, giá thì vừa phải. Lúc trước có người bán hàng ăn sáng nhưng họ không hề chế biến mà lấy mối về bán. Còn đây là người trong xóm, thấy họ mua nguyên liệu chỗ này chỗ kia mình biết nên cũng tin tưởng”.
Để tận mắt xem hộp xôi không tệ như lời bà Hòa, tôi mua một hộp và không quá bất ngờ bởi “tiền nào của đó”. Phần xôi bé tẹo vo lại không đủ nắm, thêm vài cọng chả lụa cắt nhuyễn, hai lát lạp xưởng chiên mỏng dính như lá lúa.
Có thâm niên bán hàng ăn sáng cho học sinh, ông Phan Văn Phú (quận Phú Nhuận) khẳng định thật khó để có bữa ăn đủ chất khi giá mỗi phần chỉ 10.000 – 15.000 đồng. “Người bán có tâm thì còn mua nguyên liệu ở những nơi uy tín, chấp nhận lời ít nhưng hầu hết mua hàng dạt, dầu thì mua can dùng đi dùng lại, kể cả chả lụa, trứng gà… cũng là hàng có giá thấp nhất. Thực tế hiện nay, ngay cả những quán ăn cố định, việc lưu mẫu thức ăn cũng chỉ là hình thức. Điều này thật tai hại nếu không may xảy ra các sự cố. Thức ăn chế biến sẵn ở các xe lưu động bị thả nổi, không ai kiểm soát, vì vậy không ai bảo vệ mình ngoài bản thân mình”, ông Phú đưa ra lời khuyên.
Anh Lê Văn Bảo, phụ huynh học sinh Trường TH Nguyễn Thị Định (quận 7) chia sẻ, trước đây gia đình cũng thường cho các cháu ăn sáng bên ngoài trước khi đến trường. Hàng quán thì nhiều, món ăn phong phú nhưng cũng cần lựa chọn. Ở hàng quán sang trọng chưa hẳn đã an toàn và ngược lại.
Chị Nguyễn Thị Thúy (phụ huynh Trường TH Đuốc Sống, quận 1) chia sẻ, trước đây nhà trường có căng tin. Dù chỉ có vài món đơn giản như cơm chiên, mì xào, súp nhưng các con rất thích. Căng tin có bàn ghế, khu vực ăn được vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, sau đó không còn căng tin nữa, đành phải cho các con ăn ở ngoài.
“Dù sao cho con ăn ở căng tin cũng an tâm hơn, được kiểm soát nghiêm ngặt từ các khâu. Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, các trường có không gian, có điều kiện thì có thể khai thác căng tin đáp ứng nhu cầu, an toàn cho sức khỏe của học sinh”, chị Thúy đề xuất.
Chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS Đào Lê Trang phân tích, khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng được hiểu là sự cân đối các tỷ lệ đạm, chất béo, bột đường… tương ứng với trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, với các món như xôi, bánh mì, cơm chiên…, bán trước cổng trường hiện nay thì khó đảm bảo, nhất là thiếu xơ, vitamin… Thức ăn chế biến nhiều dầu mỡ, ăn lâu ngày là nguyên nhân gây các bệnh như béo phì, tim mạch. Hiện nay, bệnh lý về tim mạch không chỉ xảy ra ở người lớn mà kể cả trẻ. Đó là nguyên nhân lạm dụng thức ăn nhanh, lười vận động. Bữa ăn sáng là bữa ăn chính, quan trọng cung cấp năng lượng sau một đêm. Tuy nhiên, nếu bữa sáng nghèo dinh dưỡng, không rõ nguồn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh.
Bác sĩ Trang khẳng định, cho dù nguyên liệu tươi sống nhưng bảo quản, sơ chế không đúng cách cũng có thể bị nhiễm khuẩn, nguy cơ ngộ độc sau khi ăn. Đó là chưa kể việc lạm dụng các loại gia vị trong chế biến, nước chấm đi kèm như sốt, tương ớt… trôi nổi trên thị trường. Phụ huynh cần định hướng điều chỉnh sinh hoạt, tập luyện, ăn uống và đặc biệt là gia giảm trong khẩu phần ăn cho trẻ để tránh các bệnh nguy hiểm về sau.
Trần Anh
Bình luận (0)