Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Suy nghĩ về đạo đức thời nay

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành giáo dục cần tổ chức nhiều cuộc thi có tính phong trào để tất cả các em học sinh đều được tham gia. Qua đó, giáo dục các em tình yêu thương, nhân cách sống… Ảnh: T.Tri

Nhiều người có nhận xét: Đạo đức xã hội hiện nay có chiều hướng “tuôt dốc”…
Lối sống của người lớn đang bị băng hoại, sa sút đến mức nghiêm trọng. Những vụ án vợ giết chồng, chồng giết vợ… Vì lòng tham cướp của giết nhau, vì mâu thuẫn nhỏ giết nhau, vì tình giết nhau…
Có người cho rằng đó là “căn bệnh thời đại”, là chịu ảnh hưởng phim, ảnh nước ngoài? Điều đó có và đúng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta không chuẩn bị tư tưởng kịp thời khi hạ tầng cơ sở vật chất thay đổi. Nào là biệt thự, nào là những tòa nhà cao chọc trời, nào là xe hơi nhà lầu, khách sạn, nhà hàng… mọc lên như nấm sau mưa. Phải chăng các cơ quan chức năng đã buông lỏng công tác giáo dục tư tưởng? Con người thì buông thả bản thân, lao vào việc kiếm tiền, lao vào công danh, sự nghiệp bằng bất cứ giá nào, bằng cách nào cũng cố cho bằng được.
Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho gia đình, hay nhà trường và xã hội. “Tại anh, tại ả tại cả chúng ta! Hơn nữa, sinh hoạt xã hội ngày càng mở rộng, lấn át choán hết thời gian thì thử hỏi còn đâu thời gian để gia đình sum họp, chuyện trò, tâm tình tháo gỡ cho nhau những vướng mắc trong cuộc sống; giúp các con học hành, hướng dẫn cho chúng những điều cần thiết… Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo có trăm ngàn lý do để nói không có thời gian, không thể giáo dục, giúp đỡ con cái được. Con trẻ bị “bỏ rơi”, mất phương hướng sống. Người lớn còn có lúc cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời, huống chi con trẻ(!?)
Một người bạn tôi đã nói: Nêu hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội, trong gia đình và ở nhà trường không bao giờ hết, tìm nguyên nhân, qui trách nhiệm về ai không khó. Cái khó là làm thế nào để khắc phục, để hạn chế, để giảm dần các tệ nạn, các tai họa đó. Lớn hơn nữa là “Hãy cứu thế hệ trẻ!”.
Là nhà giáo, tôi nghĩ ngay đến môi trường giáo dục của mình, đây là môi trường có điều kiện, có “cứu cánh” để làm: Đội ngũ giáo viên, một lực lượng hùng hậu về số lượng, về tri thức, về tấm lòng nghề nghiệp, về mẫu mực tâm lý, sư phạm.
Ngành giáo dục hãy phát động lại phong trào: “Vì tất cả học sinh thân yêu!”. Chỉ có tình thương, chăm sóc ân cần, chu đáo với học sinh mới cảm hóa được các em, dạy bảo các em mới vâng lời, phục tùng. Một là tổ chức các đợt thi có tính chất phong trào để em nào cũng được tham gia, thi có thưởng. Thi sưu tầm và kể chuyện “Gương tốt thiếu nhi” không hạn chế chuyện có sẵn. Chỉ đạt yêu cầu là các em tìm và đọc để kể: Sưu tầm, tập họp những câu ca dao, tục ngữ, dân ca, truyện nói về tình bạn (tình bạn Lưu Bình, Dương Lễ, Bá Nha, Tử Kỳ, Mác-Ăngghen…). Hạn chế bớt các cuộc thi người mẫu, hoa hậu… Hai là xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm một cách bài bản, nghĩa là phải được bồi dưỡng kiến thức, và những phẩm chất cần có của người làm công tác chủ nhiệm. Đồng thời phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng như chế độ giờ, chế độ lương. Vì đây là lực lượng rất quan trọng giúp cho hoạt động giáo dục đạo đức có kết quả…
Tôn Tuyết Dung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)