Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Diễn đàn ngăn chặn tình trạng học sinh tự tử

Tạp Chí Giáo Dục

Thường xuyên trò chuyện cùng con
Trong độ tuổi thanh thiếu niên, các em phải đối diện với nhiều sự thay đổi lớn về tâm lý, sinh lý và khó khăn trong giai đoạn chuyển sang tuổi trưởng thành. Những khó khăn ấy có thể xuất phát từ chính các em do biến đổi về mặt sinh học, nhưng cũng có thể xuất phát từ gia đình như bố mẹ ly hôn, bạo hành gia đình… Tiếc thay, phần lớn các em thường có suy nghĩ rằng cái chết là giải pháp tốt nhất cho vấn đề khó khăn mà các em đang gặp phải, đặc biệt là khi các em bị mất lòng tin vào bản thân cũng như lòng tin vào những người xung quanh. Trong độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ gái thường có suy nghĩ về cái chết nhiều hơn trẻ trai, mặc dù số vụ tự tử hoàn thành ở trẻ trai cao gấp bốn lần trẻ gái.
Khi con cái không muốn tâm sự với bố mẹ thì tình hình đã ở mức báo động. Bởi khi đó bố mẹ sẽ không hiểu con nghĩ gì và sẽ làm gì, đến khi có chuyện xảy ra thì đã quá muộn. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng trên, việc bố mẹ thường xuyên trò chuyện cùng con, khơi gợi để con mạnh dạn kể lại những câu chuyện ở trường, dần dà tiến tới giúp các con bộc lộ quan điểm như đồng tình – phản đối, yêu thương – căm giận, thích thú – chán nản… là vô cùng cần thiết. Muốn vậy, cần có sự chủ động từ phía phụ huynh. HS hôm nay rất khác so với HS ở thế hệ cha mẹ, thầy cô của chúng. Trong khi đó nhiều người vẫn nhìn các con với con mắt của những người ở các thập kỷ trước, có nghĩa là không đặt mình vào vị trí của con, trong một bối cảnh xã hội đã hoàn toàn đổi khác. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những mâu thuẫn giữa hai thế hệ bố mẹ – con cái. Cái mà người lớn cho rằng đúng, rằng hay thì chưa chắc đã nhận được sự đồng tình của các con. Do đó đừng vội lấy cái quyền bố mẹ, thầy cô để buộc các em thực hiện một công việc nào đó. Hãy kiên nhẫn tìm hiểu xem tại sao chúng phản đối, tại sao chúng nghĩ như thế và cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận để thực hiện công việc trên cơ sở thuyết phục là chính. Công việc này chẳng dễ dàng gì nhưng vô cùng cần thiết. Từ chỗ bình đẳng và tôn trọng, bố mẹ sẽ làm bạn được với con, giáo viên sẽ thân thiện và cởi mở hơn với trò. Cũng từ đó các em mới đủ tự tin, và người lớn mới tạo ra sự tin cậy, để các em tâm sự, sẻ chia các khúc mắc và ẩn ức, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
ThS. Phạm Thị Thúy
(Tham vấn viên tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM)
LTS: Tuần qua, “Diễn đàn ngăn chặn tình trạng học sinh tự tử” tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tham gia của các nhà tâm lý, bạn đọc… Xin được trích đăng hai ý kiến rất thiết thực dưới đây. 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)