Khi vẽ biểu đồ, TS cần xác định đúng loại biểu đồ mà đề thi yêu cầu, vì nếu vẽ không đúng thì sẽ không có điểm. Ảnh: T.L |
Vẽ biểu đồ và nhận xét biểu đồ trong môn địa lý là một trong những yêu cầu rất quan trọng, chiếm tới 20% cơ cấu đề thi tốt nghiệp THPT và CĐ, ĐH.
Đây là phần khá đơn giản nhưng không phải thí sinh (TS) nào cũng đạt điểm trọn vẹn phần thi này do không xác định đúng loại biểu đồ và nhận xét thiếu sự chính xác. Vậy làm thế nào để khắc phục nhược điểm trên?
Thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết nhiều TS trình bày phần vẽ biểu đồ rất cẩu thả, gạch xóa lung tung gây mất thiện cảm cho người chấm bài. Do đó, nếu biểu đồ phải vẽ lại đến lần thứ 3 mới hoàn chỉnh thì TS nên bỏ tờ vẽ sai đi và xin giám thị tờ giấy thi khác để viết lại. Tuy có mất thời gian nhưng bài thi sạch sẽ dễ được điểm trọn vẹn hơn. Nhưng TS cũng cần lưu ý xem mình có còn đủ thời gian để làm lại hay không. Trong trường hợp thời gian còn lại quá ít, TS nên chấp nhận giữ nguyên tờ giấy bài làm của mình.
Thầy Quang lưu ý, khi vẽ biểu đồ, TS cần xác định đúng loại biểu đồ mà đề yêu cầu vì nếu vẽ sai yêu cầu thì dù có đẹp bao nhiêu cũng không có điểm. Nếu đề thi yêu cầu rõ ràng: Em hãy vẽ biểu đồ tròn, cột, miền… thì làm đúng như yêu cầu của đề. Trường hợp đề không yêu cầu rõ cột, tròn hay đường… ta cần quan sát số năm và 5 từ nhóm được gợi ýtrong đề bài. Sau đây là bảng ghi nhớ giúp các em biết cách chọn đúng biểu đồ phải vẽ.
Lưu ý: Có 5 cụm từ khóa phải nhớ được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 có 2 từ là cơ cấu đi với tỉ trọng. Nhóm 2 có 3 từ đi với nhau là: Tăng trưởng, phát triển, biến động. Và lưu ý về số năm trong bảng số liệu, ta chia 2 trường hợp về năm:
Trường hợp I: Dưới hay bằng 3 năm (bảng số liệu có 1, hay 2 hay 3 năm): Nếu bài có từ “cơ cấu” hay “tỉ trọng” thì ta vẽ biểu đồ tròn. Nếu bài không có từ “cơ cấu”, cũng không có “tỉ trọng” thì ta vẽ cột.
Trường hợp II: Trên 3 năm (từ 4 đến 20 năm). Nếu bài có từ “cơ cấu” hay ‘tỉ trọng” thì ta vẽ biểu đồ miền: Nếu bài không có từ “cơ cấu”, cũng không có “tỉ trọng”, ta xét thêm có 1 trong 3 từ “tăng trưởng”, “phát triển”, “biến động” không? Nếu có ta vẽ biểu đồ đường. Còn nếu không có 5 từ trên ta vẽ biểu đồ cột. Có thể tóm lại bằng bảng ghi nhớ sau:
Số năm
|
Từ khóa trong đề
|
Vẽ biểu đồ
|
< 3 năm hay = 3 năm
|
– Có một trong 2 từ “cơ cấu” hay “tỉ trọng”
|
Vẽ tròn
|
– Không có từ “cơ cấu” cũng không có “tỉ trọng”
|
Cột
|
|
> 3 năm
|
– Có từ “cơ cấu” hay “tỉ trọng”
|
Miền
|
– Không có cơ cấu, có từ “tăng trưởng” hay “phát triển” hay “biến động”
|
Đường
(Đồ thị)
|
|
– Không có 5 nhóm từ trên
|
Cột
|
Ngoài ra còn có trường hợp đặc biệt đó là bài có 2 đơn vị (xem SGK trang 119 và 142, hay Atlat trang 17 và 25).
a/ hai đơn vị và có 1, 2 năm → vẽ cột
b/ hai đơn vị và có 4 năm trở lên → vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường.
Sau khi vẽ xong biểu đồ, TS cần đưa ra nhận xét dựa trên bảng số liệu và biểu đồ đã vẽ. TS có thể làm theo những cách sau đây:
Trước hết là theo hàng ngang:Tăng hay giảm? liên tục hay không liên tục? và tăng hay giảm bao nhiêu (% thì làm toán trừ, số liệu tuyệt đối thì làm toán trừ hay toán chia cũng được nhưng nhớ phải có số liệu dẫn chứng).
Ví dụ: Từ năm 1990-2005: GDP theo ngành kinh tế có thay đổi: Tỉ trọng ngành nông, lâm ngư nghiệp giảm liên tục, giảm 21,5%. Tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng liên tục, tăng 18,7%. Tỉ trọng ngành dịch vụ tăng không liên tục và tăng 2,8%.
Theo hàng dọc:TS nên xếp theo thứ hạng nhất, nhì, ba…Không làm theo từng năm mà nên gom lại nhiều năm giống nhau cho gọn. Từnăm 1990-1998: Nông lâm ngư nghiệp dẫn đầu (hay cao nhất cũng được) [lưu ý: chỉ ghi hạng nhất thôi]. Từ 1999-2002: Dịch vụ dẫn đầu. Năm 2005:Công nghiệp – xây dựng lên đầu. Kết luận:Nước ta có sự chuyển dịch cơ cấu từ nông lâm ngư nghiệp qua dịch vụ, qua công nghiệp – xây dựng. Nước ta đang trên đà đi lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lưu ý:Khi nhận xét biểu đồ tròn, biểu đồ miền hoặc số liệu tính bằng phần trăm (%), TS phải ghi thêm chữ “tỉ trọng” cho mỗi yếu tố (như ví dụ trên) mới đúng yêu cầu của đề. Nếu thiếu 2 chữ “tỉ trọng”, TS coi như bị mất điểm phần nhận xét.
Nếu các năm có thay đổi thứ hạng thì TS chỉ ghi hạng nhất thôi (như ví dụ ở trên). Tuy nhiên nếu không có sự thay đổi thì ta ghi hạng nhất vẫn là ngành nông nghiệp… và ghi thêm hạng nhì, hạng ba, hạng chót cho các ngành khác.
Ngọc Anh (ghi)
Bình luận (0)