Đánh trúng tâm lý thiếu và yếu kỹ năng sống của học sinh, nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống ra đời với những khóa học có tên rất kêu nhưng chương trình chỉ vui chơi là chính.
Trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo dạy lồng ghép chương trình kỹ năng sống vào các môn học chính khóa từ lớp 1 đến 12. Chương trình đáng ra phải mang tính thực hành như tên gọi nhưng thực tế việc lồng ghép tại TPHCM đang không hiệu quả.
Trẻ học làm bánh – một khóa học kỹ năng sống do Trung tâm phát triển Kỹ năng sống IDO tổ chức. Ảnh minh họa
ThS Phan Tấn Chí, Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục của Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM, nói phần lớn giáo viên không mặn mà với việc ôm đồm thêm nội dung giáo dục kỹ năng sống khi mà khối lượng công việc trên lớp không đổi. Giáo viên chỉ cố gắng thể hiện lồng ghép khi có thao giảng, dự giờ bởi lâu nay, ưu tiên hàng đầu của các trường là kết quả thi cuối cấp chứ không phải học sinh có nhiều kỹ năng sống hay không.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hải, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận), do chưa có bộ giáo trình chuẩn về giáo dục kỹ năng sống nên nhiều giáo viên không hiểu và không biết bắt đầu giảng dạy cho học sinh như thế nào.
Thực tế, việc tổ chức giảng dạy kỹ năng sống ở nhiều trường vẫn theo hướng tự mày mò. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) cho học sinh trồng và theo dõi sự phát triển của cây để biết được nghề làm nông; ngày Tết học gói bánh chưng, bánh tét, thăm gia đình chính sách để học cách chia sẻ, yêu thương.
Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Phú Nhuận) tổ chức những buổi sinh hoạt chủ điểm để học sinh tìm hiểu các vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thừa nhận kỹ năng sống là vấn đề rất quan trọng nhưng không phải tất cả giáo viên đều hiểu. Dạy kỹ năng sống không quy định giờ học, tiết học cụ thể mà có thể linh hoạt về thời gian, địa điểm nên nếu giáo viên không hiểu mà áp dụng cứng nhắc thì khó đạt hiệu quả.
Đánh trúng tâm lý thiếu và yếu kỹ năng sống của học sinh, nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống rầm rộ ra đời với những khóa học có tên rất kêu như: sống mạnh mẽ, sống có niềm tin, sống biết ước mơ, tôi tự tin – tôi tài giỏi, tôi tài năng… nhưng chương trình hầu hết vẫn vui chơi là chính dù phụ huynh phải bỏ ra hàng triệu đồng cho một chương trình.
Một chuyên gia giáo dục phân tích: Bỏ không ít tiền chỉ để cho trẻ biết gấp chăn màn và dậy đúng giờ, biết viết thư cho gia đình thì quá phí vì những điều ấy hoàn toàn có thể dạy trong nhà trường, ở nhà. Mặt khác, chương trình huấn luyện phát triển theo hướng tự sáng tác, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; đội ngũ huấn luyện, báo cáo viên lại tay ngang nên khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Phụ huynh cần tỉnh táo
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho biết cứ chuẩn bị nghỉ hè là trường nhận được rất nhiều lời chào mời của các công ty và trung tâm đào tạo kỹ năng sống.
Chương trình na ná nhau lại thiếu kiểm định nên trường không dám nhận. Hơn nữa, một số công ty du lịch núp bóng đào tạo kỹ năng sống nên phụ huynh cần tỉnh táo.
Chương trình ở các trung tâm thường dàn trải trong khi kỹ năng sống phải là một chương trình liên kết xuyên suốt, vừa học vừa rèn luyện, nếu chỉ thực hành trong thời gian ngắn thì học sinh sẽ quên.
ĐẶNG TRINH
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)