Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cho con học chữ trước tuổi: Lợi bất cập hại

Tạp Chí Giáo Dục

Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 có thể không hình thành được động cơ để học tốt, và sự đam mê cũng mất theo (ảnh mang tính minh họa)

Sợ con chưa biết chữ hay viết chữ xấu, khi vào lớp 1 sẽ thua bạn bè, ảnh hưởng đến kết quả học tập, nhiều phụ huynh đã cấp tốc cho con đi rèn chữ, dù con còn đang học mẫu giáo.
1.001 lí do để… rèn chữ
Vài tháng nữa bé Milk (Trường Mầm non 7B, Bình Thạnh) mới vào lớp 1 nhưng chị Huệ – mẹ bé Milk – đã đăng ký cho con học chữ tại một lớp ở gần Trường Mầm non 15, thời gian học trong 4 tháng. Thế là khi tan trường, thay vì được về nhà ngay thì bé Milk phải đến nhà thầy, đều đặn 5 buổi/ tuần. Lớp học này, ngoài Milk còn có hơn chục bé khác, các bé được thầy dạy đọc, tập viết chữ theo sách giáo khoa lớp 1 và được hướng dẫn cách ngồi, cách cầm bút đúng tư thế… Mỗi tháng chị Huệ phải đóng 200 ngàn đồng học phí cho con. Chị chia sẻ: “Phải chịu khó mấy tháng thôi, chuẩn bị vào lớp 1 mà bé mới biết mặt chữ cái, đếm đến số hàng chục, trong khi đó nhiều trẻ khi vào lớp 1 đã đọc hay, viết đẹp. Thật tình vì sợ cháu bỡ ngỡ, không theo kịp bạn nên tôi đăng ký cho cháu học”.
Không giống như chị Huệ, chị Minh Thanh (nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh) sẵn sàng bỏ ra 800 ngàn đồng mỗi tháng gửi gắm cậu con trai đã học gần hết lớp 1 để cô giáo chủ nhiệm đưa về nhà rèn thêm về chữ viết. Do chữ viết của cậu bé còn xấu, không ngay hàng thẳng lối, chữ thấp chữ cao nên chị Thanh sợ kết quả học tập của con không đủ điều kiện lên lớp. Lắm hôm mới học viết chính tả xong trên lớp lại ghé nhà cô giáo học viết tiếp, cu cậu luôn phụng phịu, thậm chí có lúc còn khóc, dỗi hờn và tỏ ra mệt mỏi.
Trên thực tế, nhu cầu cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 không ít. Trong vai một phụ huynh tìm lớp rèn chữ cho con, chúng tôi tìm đến nhiều trường mầm non, tiểu học hỏi thăm phụ huynh (PH) thì thấy PH nào cũng tỏ ra tường tận và chỉ dẫn tận tình các địa chỉ “đỏ”. Nào lớp của cô M.L. (đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh), nào lớp cô A.D. (đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức)… Thậm chí nhiều PH còn cho biết lớp nào giá rẻ, lớp nào ít học sinh và cô nào kèm tốt.
Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4), cho biết: “Hiện tượng trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 khá phổ biến. Vì vậy, khi vào lớp 1, giáo viên dạy 1 các em tỏ ra biết 10. Đặc biệt những năm trước, khi xét tuyển đầu vào tiếng Anh tăng cường thì số này rất đông. Thậm chí nhiều PH còn khoe với nhà trường là con tôi đã học hết cuốn sách tập đọc lớp 1… Nguyên nhân do tâm lý PH sợ con thua bạn bè, hoặc suy nghĩ con biết chữ trước sẽ học giỏi hơn nên đổ xô cho trẻ đi học chữ”.
Học trước chưa chắc đã giỏi
Theo cô Trần Thị Lan, phương thức học chữ trước của trẻ rất đa dạng. Trường hợp PH thuê giáo viên dạy thì trẻ có thể được học chữ theo sách tập đọc lớp 1, ngược lại thuê gia sư là sinh viên hoặc cho trẻ học với các sơ thì có thể học chữ theo kinh nghiệm của người dạy chứ không theo quy tắc nào cả. Vì thế xảy ra tình trạng nếu trẻ được học chữ dựa vào sách giáo khoa thì khi vào lớp 1 học lại các em dễ tỏ ra chán nản, không hứng thú với bài học cũ. Thông thường trẻ sẽ mang tâm lý mình đã biết nên có thể ỷ lại, không quan tâm, không tập trung chú ý. Từ đó, sự ham thích sẽ giảm, thậm chí chán học và việc học có thể tuột hạng. Điều này hết sức nguy hiểm.
Mặt khác, với những trẻ biết chữ trước nhưng đó chỉ là học vẹt mà không biết quy tắc đánh vần ra sao, kỹ năng viết như thế nào khiến giáo viên hết sức vất vả vì phải uốn nắn lại. Vì vậy, PH nên để cho trẻ tiếp cận với kiến thức mới, đừng biến nó thành những kiến thức cũ, bắt trẻ phải học đi học lại. Tâm lý trẻ nhỏ thường thích và hứng thú với những cái mới lạ, theo đó sẽ kích thích sự tò mò khám phá ở trẻ và tạo sự quan tâm của các bé về việc học của chính mình.
Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả học tập lớp 1 dựa trên tinh thần khuyến khích đọc đúng, viết đúng, viết sạch như thế là đạt, chứ không yêu cầu trẻ phải viết chữ cho thật đẹp. PH nên hiểu đúng cách đánh giá chương trình để tránh lo lắng mà bắt con phải học chữ trước.
Theo cô Tô Nhi A, giảng viên tâm lý Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM, học trước tuổi khiến trẻ làm việc quá sức mình, vượt khỏi trình độ nhận thức và luôn trong tình trạng cố gắng. Từ đó, trẻ cảm thấy thời gian vui chơi bị xóa mất, thay vào đấy việc học là một điều “không có gì vui vẻ”, mất hứng thú với nó dẫn đến không hình thành được động cơ để học tốt, và sự đam mê cũng mất theo. Ở lứa tuổi này, các em cần có điều kiện phát triển về sức khỏe, thể chất, khả năng diễn đạt ngôn ngữ, cách giao tiếp với bạn bè, người lớn… Sự tương tác của PH bằng cách tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi không chỉ có tác dụng giúp trẻ được học, được chơi mà còn là cách để xây dựng quan hệ gia đình bền chặt, giúp trẻ tự tin khi sắp bước vào một giai đoạn mới mang tính bước ngoặt của cuộc đời.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Học trước tuổi khiến trẻ làm việc quá sức mình, vượt khỏi trình độ nhận thức và luôn trong tình trạng cố gắng”, cô Tô Nhi A, giảng viên tâm lý Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM, chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)