Với nhiều người, môn văn không hề dễ “nuốt” vì không phải ai cũng có khả năng cảm nhận sâu sắc một tác phẩm văn học. Tùy thời gian, hoàn cảnh và tâm trạng, mỗi người sẽ có một cảm nhận cho riêng mình.
Bản thân tôi cũng từng không thích học môn văn vì nó không phải môn “tủ” của mình. Nhưng vì hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ đều phải đối mặt với nó nên tôi phải tập làm quen với môn học “khó ưa” này và nhận thấy nó cũng không đến nỗi khó khăn như mình tưởng. Đầu tiên, khi học một tác phẩm, tôi đọc từng câu từng chữ rất nhiều lần, đôi khi là đọc ra thành lời để thuộc lòng vì đây được xem như là nguyên liệu cơ bản để đặt nền móng đầu tiên. Khi đã thuộc lòng, tôi cố gắng tự giải đáp những thắc mắc kiểu như: Tại sao tác giả lại dùng từ đó? Tại sao tác giả lại viết câu với cấu trúc như thế? Tại sao lại sử dụng nghệ thuật ngôn từ này? Điều tác giả muốn nói qua đoạn văn/thơ hoặc qua tác phẩm này là gì?… Ở trên lớp, tôi luôn chăm chú nghe thầy cô giảng, nghiền ngẫm kỹ tác phẩm để về nhà không phải mất công tìm hiểu lại. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ đọc nhiều bài văn trong sách tham khảo, đọc thêm về tác giả để có thể viết bài sâu sắc hơn và có thể ứng phó với nhiều dạng đề khác nhau.
Với phần văn nghị luận xã hội, tôi cũng chịu khó sưu tầm các câu chuyện, câu danh ngôn gần gũi xung quanh mình rồi ghi vào cuốn sổ để khi cần minh họa làm phong phú thêm bài thi của mình. Trong cuốn sổ đó, tôi cũng chép các kiến thức chung về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác và mang theo bên mình để có thể học hoặc bổ sung kiên thức những khi cần thiết…
Nguyễn Đức Minh Tâm
(thủ khoa khối D Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM)
(thủ khoa khối D Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM)
Bình luận (0)