Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng khó chịu khi bị trẻ bắt bẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ phải thường xuyên khích lệ trẻ nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình. Ảnh: T.Tri

Trong quá trình nuôi dạy, giáo dục con cái, không ít trường hợp cha mẹ phải bực mình, khó chịu thậm chí là căng thẳng khi trẻ đáp lại sự sai bảo của người lớn bằng những lời lẽ đôi co!
Đôi khi trẻ trả treo với cha mẹ chỉ vì muốn được mọi người quan tâm đến mình. Song, không phải phụ huynh nào cũng có cách ứng phó kịp thời và đúng mức với con.
1.001 cách trẻ bắt bẻ, đôi co
“Lúc nào mẹ cũng cấm con không được nói thế này, thế kia, sao anh Hai và ba mẹ vẫn thường nói đấy thôi”, “Mẹ cấm con không được coi phim và lên mạng. Vậy mà anh Hai lại được thoải mái nghịch máy vi tính”. Đó là câu nói mà bé Khánh Thi (8 tuổi) thường hay đôi co với mẹ. Chị Hải – mẹ của bé Khánh Thi (bác sĩ, nhà ở Q.2, TP.HCM) – tâm sự: Khi nhờ con giúp việc gì, hay thực hiện những yêu cầu nào, ngay lập tức cháu liền cự nự phản đối: “Sao mẹ cũng có chân, có tay mà mẹ không tự đi mà lấy”. Thậm chí có lần cháu còn bảo: “Mẹ thật bất công đối với con, lúc nào cũng xét nét những hành vi của con, trong khi đó anh Hai được tự do thích làm gì thì làm, không bị ai nhắc nhở”. Tôi rất giận dữ, nhưng không biết làm sao cho cháu hiểu nói như thế là xấu, là không ngoan. Lắm lúc, tôi phải đánh khẽ vào tay con mấy cái và mắng: “Con học đâu cách ăn nói hỗn xược như thế!” thì cháu vừa khóc vừa ấm ức: “Sao con vẫn thường nghe anh Hai nói mà mẹ không mắng anh, lại đi mắng con, hay là mẹ không thương con?”.
Chị Hải nhớ lại những lần hai anh em chơi chung với nhau, con gái nhờ anh lấy đồ chơi hay lấy nước uống giùm, thằng anh ham chơi, bèn đáp lại: “Em cũng có chân, có tay, tự mà đi lấy đừng có nhờ anh như thế!”. Đang lo lắng trong cách dạy con, chị Hải càng bối rối sau những lần bảo con không được chơi hay không được xem ti vi để tập trung học bài và ngủ sớm, bé Khánh Thi lại đôi co: “Ba và anh Hai đang ngồi chơi kia mà!”; hay bé thường trả treo: “Ba với mẹ luôn xem ti vi đến tận khuya, sao mẹ lại cấm con không được xem”. Vợ chồng chị Hải rất lo ngại con sẽ hư hỏng nếu suốt ngày cứ bắt bẻ, trả treo với người lớn thế này.
Trẻ đôi co với người lớn không hẳn là hư!
Khi trao đổi với các chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em, chị Hải mới nhận ra rằng, tất cả những hành vi phản ứng của con là do bắt chước theo cách ứng xử của người lớn. Tuy nhiên, các câu nói đối đáp của bé lại áp dụng không đúng chỗ. Và điều quan trọng là bé chưa hiểu được như thế là sai, là không phù hợp. Nên khi trẻ trả treo với người lớn không hẳn là hư hỏng, hỗn xược mà là vì trẻ không tìm được cách diễn đạt hợp lý. Trẻ em hay dùng những câu nói đã từng nghe được để thắc mắc với người lớn là điều rất bình thường, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng.
Nguyên nhân trẻ đôi co, chất vấn người lớn rất đa dạng, có thể là trẻ đang lo lắng, thắc mắc, băn khoăn về vấn đề nào đó. Hầu hết ở giai đoạn dưới 10 tuổi, trẻ chưa ý thức được hết hậu quả việc mình phản ứng. Các hành vi ứng xử của trẻ chủ yếu đơn thuần là làm theo người khác, bắt chước một cách máy móc và vận dụng vào các tình huống tương tự. Trẻ thường hay quan sát và ghi nhận một cách cảm tính, khi có cơ hội là áp dụng ngay nhưng lại không hiểu được là có phù hợp hay không. Có trẻ bắt bẻ với người lớn là do mong muốn được đối xử công bằng. Vì thế, trong những lần trẻ đôi co vì muốn được đối xử như người khác, thì cha mẹ phải khéo léo lý giải để thuyết phục được con. Khi người lớn lý giải đầy đủ, thuyết phục thì trẻ sẽ chấp nhận mà không bị băn khoăn, ấm ức.
Cũng có trẻ bắt bẻ với cha mẹ là do muốn khẳng định mình đã lớn. Ý thức muốn độc lập, muốn khẳng định mình… Với những trẻ không muốn cha mẹ áp đặt làm thế này thế kia, điều này, điều nọ cũng khiến trẻ hay đôi co.
Cha mẹ cần đối xử hợp lý
Khi trẻ đôi co, bắt bẻ, cha mẹ nổi nóng, giận dữ là không nên, điều này chỉ làm cho tình hình xấu đi. Trong các tình huống mà trẻ mè nheo, đòi hỏi quá đáng thì cha mẹ hãy cương quyết nói rằng: “Con nói (làm) như thế là không ngoan, con không được như thế… con phải diễn đạt lại như thế này…” và giải thích cụ thể, rõ ràng cho bé hiểu vì sao phải như thế.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi trẻ còn thắc mắc, băn khoăn thì chúng còn bắt bẻ. Trẻ đôi co, vặn vẹo không phải là hỗn xược, thiếu lễ phép, mà là do trẻ không biết thể hiện như thế nào để đạt được điều mình muốn nói. Do đó, việc quan trọng trong quá trình nuôi dạy con cái là cha mẹ phải thường xuyên khích lệ trẻ nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình. Phải có thái độ lắng nghe chân thành và hướng dẫn chúng cách trình bày, diễn đạt nguyện vọng một cách đúng đắn và làm cho người nghe vui lòng. Giúp trẻ phân biệt được cách ứng xử đúng sai trong từng tình huống cụ thể. Trong gia đình, cha mẹ phải đối xử công bằng với các con. Trong những trường hợp cụ thể người lớn có thể thương lượng với trẻ. Cha mẹ phải khuyến khích trẻ đôi co, bày tỏ những vấn đề trẻ băn khoăn. Thông qua đó, trẻ sẽ hình thành cho mình khả năng tư duy linh hoạt, trau dồi ngôn ngữ diễn đạt. Đồng thời phải khéo léo giúp trẻ nhận ra rằng luôn có sự khác biệt giữa mỗi cá nhân, mỗi người có một thế mạnh khác nhau, ở điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nên sẽ nhận được sự đối xử khác nhau từ mọi người. Vì thế, phải biết kiểm soát hành vi của mình, không phải lúc nào cũng đôi co, vặn vẹo, không được để tính tò mò, hiếu thắng phá vỡ cuộc sống của mình. Tóm lại, phải dạy trẻ biết nói năng và ứng xử có lễ phép, ngay cả khi bắt bẻ, đôi co với người lớn.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)