Năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM giao các phòng GD-ĐT tổ chức ra đề thi học kỳ 2 cho học sinh (HS) khối lớp 5, với hình thức thi nhẹ nhàng, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng nhưng vẫn đảm bảo mặt bằng chung.
Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giáo viên (GV) ở một số trường tiểu học ép HS học “gạo”. Cụ thể là dạy học theo kiểu “đạo văn”. Dĩ nhiên, ngành giáo dục không bao giờ có chủ trương yêu cầu GV thực hiện việc làm này cho HS trong mỗi kì thi vì đây là kiểu “đạo văn” không mang tính giáo dục; các em không thể hiện được ý nghĩ của riêng mình trong bài thi mà viết theo bài văn mẫu. Một lớp có khoảng 35 HS và một trường có chừng 120-200 HS lớp 5 thì nếu ra trúng đề văn mà các em được học mẫu, xem như GV chỉ cần chấm một bài là có thể đoán xem kết quả của những em khác vì cũng na ná nhau. Dạy học theo kiểu này làm giảm sự suy nghĩ, tư duy và cách hành văn riêng biệt của HS, làm giảm tính ngây thơ trong sáng của các em khi được thể hiện suy nghĩ của mình qua cách diễn đạt. Học văn là để trau dồi, rèn kĩ năng sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc ngữ pháp, cũng như áp dụng một số biện pháp tu từ mà các em được cung cấp trong những năm trước đó chứ không phải học văn theo kiểu học các môn khoa học, lịch sử hay địa lí…
Qua thực tế trên, chúng tôi cho rằng ban giám hiệu các trường nên chủ động hơn trong việc kiểm tra, giám sát việc làm của GV và có biện pháp ngăn chặn ngay tình trạng này, tránh những tiêu cực không đáng có. Đối với môn tập làm văn, cần gợi mở để các em có sự sáng tạo riêng, có cách diễn đạt riêng theo sự cảm nhận, sự quan sát và những tích lũy từ thực tế của từng em. Có như vậy, chúng ta mới tìm ra được những em thật sự nổi trội, thật sự xuất sắc diễn đạt, áp dụng những bài học luyện từ và câu, những bài học về chính tả… để thể hiện một cách rất riêng qua bài tập làm văn.
Duy Trang An (Q.Phú Nhuận)
Bình luận (0)