Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phương pháp ôn tập môn văn (hệ GDTX): Các dạng thức câu hỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Triệu Thị Kim Loan trong một tiết học. Ảnh: N.Quang

Để học sinh (HS) có phương pháp làm bài tốt bộ môn ngữ văn, giáo viên (GV) không chỉ hệ thống hóa kiến thức trong ôn tập mà đưa ra các dạng câu hỏi thường gặp trong các đề thi để các em biết nhận dạng và làm quen với các câu hỏi đó.
Trước đây, khi ôn tập chủ yếu do GV hệ thống hóa kiến thức nhưng phương pháp này không phát huy được tính tích cực của người học nên chúng ta cần sử dụng nhiều phương pháp ôn tập khác nhau như: Chia nhóm để HS trình bày, kiểm tra giấy để HS chấm chéo, kiểm tra miệng, trả lời trắc nghiệm, đố vui… Chính vì thế GV bộ môn cần rèn luyện cho HS nhiều dạng câu hỏi SGK từ đơn giản đến phức tạp, từ câu hỏi tái hiện kiến thức cơ bản đến câu hỏi tư duy. Đây còn là một cơ hội để chúng ta phát huy tính sáng tạo của HS, giúp các em tránh được sự bỡ ngỡ khi gặp những câu hỏi trong yêu cầu đề ra.
Một số dạng thức câu hỏi SGK: Câu hỏi về giai đoạn văn học như: “Trình bày những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975”. Câu hỏi dạng này có tính chất định hướng cho một thời đại văn học, giúp HS có kiến thức phổ quát về các trào lưu, xu thế, giai đoạn văn học. Câu hỏi tái hiện kiến thức khái quát về tác giả phải trình bày được các ý như: Nét chính về cuộc đời, sở trường cá nhân, tác phẩm tiêu biểu, phong cách sáng tác, giải thưởng được trao tặng… Ví dụ: Trình bày những hiểu biết của anh/ chị về nhà thơ Quang Dũng. Đây là dạng câu hỏi thường gặp không chỉ văn học trong nước mà cả các tác giả thuộc văn học nước ngoài như: Lỗ Tấn, Sô-lô-khốp và Hê-minh-uê. Câu hỏi về phong cách tác giả (hoặc về một đặc điểm trong phong cách tác giả) kiểu như: Anh/ chị hãy trình bày những hiểu biết về phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh. Ở câu hỏi này HS cần chú ý đến những điểm chính về các thể loại như: Văn chính luận, truyện và ký, thơ ca mà SGK đã trình bày. Câu hỏi về một đặc điểm trong phong cách tác giả như: “Trình bày ngắn gọn những hiểu biết của bản thân về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu”. HS phải nêu được biểu hiện cụ thể về tính dân tộc trong nội dung (những vấn đề hiện thực đời sống của cách mạng, những tình cảm truyền thống đạo lý của dân tộc) và trong nghệ thuật (sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc, sử dụng cách nói quen thuộc gần gũi của nhân dân). Câu hỏi về giá trị nội dung như: Nêu giá trị nhân đạo tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. (Tình cảm xót thương của tác giả đối với hoàn cảnh khốn cùng của nhân vật, khám phá và ngợi ca khát vọng sống hạnh phúc, lòng nhân ái cao quý của người nông dân, đặt niềm tin vào khả năng của con người ở tương lai). Câu hỏi về nghệ thuật của tác phẩm hoặc một hình tượng trong tác phẩm như: Trình bày ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (sức sống bất diệt của loại cây đặc thù ở Tây Nguyên, mang ý nghĩa biểu tượng cho số phận và phẩm chất cao quý của con người Tây Nguyên). Câu hỏi hướng đến tư duy HS: Câu hỏi về ý nghĩa nhan đề tác phẩm như: Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu gợi cho anh/ chị những suy nghĩ gĩ về tác phẩm? Đối với dạng câu hỏi này HS có thể trình bày theo cách gạch đầu dòng các ý chính (đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT), hoặc HS viết thành một đoạn văn và có những kiến giải khác nhau (đáp ứng kỳ thi ĐH). Câu hỏi về tình huống truyện. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã xây dựng được một tình huống độc đáo như thế nào? Cho biết ý nghĩa của tình huống ấy? Câu hỏi về chi tiết trong tác phẩm. Đây là câu hỏi thường được sử dụng phổ biến như: Chi tiết tiếng sáo đêm tình mùa xuân trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với sự thức tỉnh về số phận của nhân vật Mỵ? Chi tiết nào trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân để lại ấn tượng và niềm xúc động sâu sắc đối với anh/ chị. Vì sao? Chi tiết con đường mòn cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì? Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm trong đoạn trích Ông già và biển cả gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì?
Như vậy, tùy thuộc vào từng loại câu hỏi mà HS trình bày theo yêu cầu của người ra đề và đó cũng là cách mà GV giới thiệu và hướng dẫn cụ thể để các em có hướng đi đúng đắn trong quá trình giải quyết vấn đề.
Triệu Thị Kim Loan
(GV Trung tâm GDTX Tân Bình)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)