Vào giữa tháng này, nhóm HS trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF 2012). Mặc dù xác định là học hỏi nhưng nhóm vẫn hi vọng sẽ tạo bất ngờ ở cuộc thi năm nay.
Chạy đua với thời gian
Trong khi HS trường chuyên Hà Nội – Amsterdam đang bận rộn với kỳ thi hết học kỳ 2 thì Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh (đều học lớp 11 chuyên Lý) cùng với các thầy cô hướng dẫn, chuyên gia khoa học đang tất bật những khâu cuối cùng để chuẩn bị lên đường sang Mỹ tham dự cuộc thi ISEF 2012.
Cô Lê Thị Oanh – Phó Hiệu trường nhà trường cho hay: “Không có cơ chế để cho những em được tham gia cuộc thi ISEF được miễn thi học kỳ. Sở dĩ các em không phải thi học kỳ vì nhà trường đã linh động cho các em thi trước để có thể hoàn toàn tập trung vào giai đoạn này”.
Với những nỗ lực hết mình, nhóm của Trần Bách Trung sẽ tạo sự bất ngờ ở ISEF 2012?
Sau khi đạt giải nhất kì thi quốc gia ViSEF với đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” thuộc lĩnh vực nhiệt, thủy lực, xử lý nước, nhóm của Trần Bách Trung vinh dự được đại diện cho HS phổ thông Việt Nam tham dự cuộc thi ISEF diễn ra ở Mỹ. Tính từ thời điểm nhận giải cho đến khi lên đường tham dự kì thi quốc tế nhóm của Trung chỉ có vỏn vẹn hơn 1 tháng để chuẩn bị.
“So với cuộc thi quốc gia thì khâu chuẩn bị mang đến ISEF mất thêm rất nhiều thời gian. Ngoài việc củng cố thêm về phấn lý thuyết còn phải xây dựng thiết bị thực nghiệm… Bên cạnh đó còn phải chuẩn bị các thủ tục giấy tờ cần thiết để có thể sang Mỹ dự thi” – nữ sinh Bùi Thị Quỳnh Trang chia sẻ.
Trần Bách Trung còn cho biết, do việc học chiếm phần lớn thời gian nên việc nhóm tập hợp trao đổi chỉ diễn ra ở những phút ngắn ngủi của giờ ra chơi. Về nhà thì nhóm cũng bận công tác ôn tập để thi học kỳ nên cũng không liên lạc qua điện thoại thường xuyên. Chỉ sau khi thi xong học kỳ thì nhóm mới có cơ hội được trao đổi nhiều hơn để phát huy khả năng làm việc theo nhóm.
“Nhóm đã tự tin hơn rất nhiều”
Đó là lời nhận xét của những người tham gia hướng dẫn, góp ý cho nhóm Trần Bách Trung hoàn thiện đề tài dự thi của mình hơn sau khi cùng các em tập dượt các bước theo yêu cầu của cuộc thi ở trường chuyên Hà Nội – Amsterdam vào ngày hôm qua (5/4). Theo thầy Thuyết – nguyên chuyên viên của Sở GD-ĐT Hà Nội thì so với nhưng cuộc tập dượt trước đó, đến nay, các em có bộ mặt hoàn toàn mới.
Với vai trò như là Ban giám khảo, các thầy cô đến từ ĐH Khoa học Tư nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Xây dựng… liên tục “chất vấn” nhóm bằng Tiếng Anh nhưng với các em đều tự tin trả lời một cách mạch lạc.
Nhóm của Trần Bách Trung tự tin trả lời bằng tiếng Anh khi nhận được sự "chất vấn" của các thầy cô.
Tận mắt chứng kiến sự thể hiện của 3 HS trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, ông Võ Tấn Long – Giám đốc IBM Việt Nam, một trong những người được mời tham gia đóng góp ý kiến khẳng định: “Với những gì thể hiện ở cuộc tập dượt cuối này thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng thuyết trình bằng Tiếng Anh của các em”.
Sự tự tin không chỉ được thể hiện bằng khả năng thể hiện bằng Tiếng Anh của các em mà ngay cả khi gặp những yêu cầu khó của thầy cô, nhóm đều có thể đáp ứng được với thời gian chuẩn bị rất ngắn. Chẳng hạn như, trong lần thuyết trình đầu tiên, nhóm phải mất gần 6 phút trong khi yêu cầu của cuộc thi là chỉ được tối đa là 2 phút. Sau khi nghe thầy cô đóng góp ý kiến cùng với sự đề nghị cắt ngắn để đảm bảo tiêu chí thì nhóm chỉ mất vài phút để chuẩn bị và thể hiện lại với thời gian gần 3 phút.
Đại diện của Intel Việt Nam tiết lộ: “Khi một thành viên của nhóm chia sẻ là tham dự cuộc thi ISEF là muốn cọ xát, học hỏi thì lập tức hai người còn lại phản đối. Quan điểm của hai thành viên này là đã dự thi phải quyết tâm đạt giải”.
Cũng trong buổi tập dượt cuối cùng này các thầy, cô cũng định hướng cho nhóm của Trung những “chiến thuật” quan trọng. Theo đó, nhóm sẽ thể hiện rõ nét những ý tưởng “độc” của đề án chứ không đi quá sâu vào những điều mà ai cũng biết. Thầy Thuyết thì cho rằng, hai ưu điểm lớn có thể mang đến sự thành công cho các em đó chính là nước muối sôi được ở nhiệt độ thấp, sản phẩm đầu ra là nước ngọt có giá thành rất thấp (65 đồng/1 lít nước ngọt).
“Cuộc thi này giống như là đi bán hàng. Chính vì thế cần phải giới thiệu những cái mới, độc đáo để thuyết phục Ban giám khảo” – Giám đốc IBM Việt Nam ví von.
Chia sẻ sau buổi tập dượt vất vả, nhóm của Trần Bách Trung tâm sự: “Hiện tại còn rất nhiều việc cần phải làm trong khi quỹ thời gian không còn nhiều. Tuy nhiên chúng em sẽ nỗ lực hoàn thành công việc trước khi lên đường dự thi”
Được biết, trong khoảng thời gian 1 tuần còn lại, nhóm của Trung phải hoàn thành lại poster, thiết kế các slide, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp… Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ đắc lực của các chuyên gia và thầy cô cùng sự nỗ lực của các thành viên, nhóm sẽ tạo những bất ngờ ở kì thi ISEF năm nay.
Nguyễn Hùng
(Dân trí)
Bình luận (0)