Cả Nga và EU đang hướng tới Châu Phi, nơi các nhà cung cấp dầu khí mới nổi dự kiến sẽ thay thế Mátxcơva ở Châu Âu, trong khi Nga tìm cách mở rộng đầu tư ở lục địa đen.
Cả Nga và EU đang hướng đến thị trường dầu khí Châu Phi.
EU tìm kiếm nguồn cung ở Châu Phi
Liên minh Châu Âu (EU) sẽ chuyển sang nhập khẩu khí đốt từ Châu Phi để thay thế Nga, Bloomberg đưa tin hôm 3.5. Tờ báo trích dẫn một dự thảo tài liệu của EU cho hay, các quốc gia ở Châu Phi, chẳng hạn như Nigeria, Senegal và Angola, có tiềm năng lớn chưa được khai thác về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ủy ban Châu Âu sẽ công bố kế hoạch hợp tác năng lượng với các quốc gia Tây Phi và các nhà cung cấp khác vào cuối tháng này như một phần trong nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Mátxcơva trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.
EU cam kết sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào năm tới và loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu khí Nga trước năm 2030.
Tài liệu của EU cho biết thêm, để đạt được điều đó, Châu Âu phải thiết lập lại mối quan hệ với các nhà cung cấp truyền thống và tiếp cận với những nhà cung cấp mới nổi, vì khối này cần tăng cường nhập khẩu LNG thêm 50 tỉ mét khối mỗi năm cho đến năm 2030 và tăng lượng vận chuyển khí đốt qua đường ống từ các quốc gia khác ngoài Nga.
Để đạt được mục tiêu của mình, EU phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận với Mỹ về việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng, đồng thời mở rộng thương mại với các nhà cung cấp như Ai Cập, Israel, Azerbaijan và Australia.
Việc EU hướng tới chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga theo các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraina đã khiến Châu Âu phải tăng cường mua hàng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang tăng lên và giá LNG cao. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho EU, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của liên minh.
Ngoại trưởng Italia Luigi di Maio nói với CNBC hồi tháng 3 rằng ông đã đến các nước như Mozambique, Cộng hòa Congo và Angola trong nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác cung cấp LNG mới. “An ninh năng lượng là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia là cường quốc sản xuất toàn cầu như Italia và nhiều nước khác, và chúng tôi phải có khả năng đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng của mình. Chúng tôi đang đa dạng hóa để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga và tiếp tục quá trình chuyển đổi xanh với các nguồn năng lượng mới và khác biệt” – Ngoại trưởng Luigi di Maio cho hay.
Tàu chở khí đốt “Karmol LNGT Powership Africa” dài 272 mét đang neo đậu ngoài khơi Dakar trên bờ biển Senegal.
Nga tìm hướng đầu tư ở Châu Phi
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Nga cũng đang tìm cách đầu tư vào các dự án dầu khí ở Châu Phi. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ phụ trách tài nguyên dầu mỏ của Nigeria, ông Timipre Sylva cho biết hôm 2.5 rằng Nga đã bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nigeria-Morocco.
Nigeria và Morocco lần đầu tiên ký thỏa thuận về dự án vào tháng 12.2016. Bên cạnh việc nối hai quốc gia, đường ống dài 5.660km cũng dự kiến sẽ kết nối một số quốc gia Châu Phi khác với Châu Âu.
Ông Timipre Sylva nói với các phóng viên tại Abuja: "Những người Nga đã gặp tôi vào tuần trước. Họ rất muốn đầu tư vào dự án này và có rất nhiều người khác cũng muốn đầu tư vào dự án. Đây là đường ống sẽ đưa khí đốt của chúng tôi đi qua nhiều quốc gia ở Châu Phi và đến tận rìa lục địa Châu Phi, nơi chúng tôi cũng có thể tiếp cận thị trường Châu Âu".
Ông Sylva cho hay, chính phủ của Tổng thống Muhammadu Buhari hy vọng ít nhất sẽ khởi động dự án trước khi rời nhiệm sở vào tháng 5.2023. Ông không cho biết chi phí sẽ là bao nhiêu.
Nigeria giàu hydrocacbon nhưng sản xuất ít điện năng, khiến các ngành công nghiệp của nước này không đủ sức cạnh tranh.
Trong số danh mục lợi ích của Nga ở Châu Phi, các tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước như Gazprom, Gazpromneft và Rosneft đã xây dựng lợi ích của ngành công nghiệp hydrocacbon tại các thị trường xung quanh lục địa đen, từ Algeria ở phía bắc đến Nigeria, Angola và Mozambique ở phía nam sa mạc Sahara.
Theo tờ Daily Maverick của Nam Phi, ngân hàng Gazprombank, thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, xác nhận đang xem xét đấu thầu cho hợp đồng có khả năng trị giá hàng tỉ USD ở Nam Phi. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraina và giá khí đốt tăng cao, Nam Phi muốn khẩn cấp đảm bảo tiếp cận với lượng lớn khí đốt tự nhiên.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)