Thí sinh cần học thuộc công thức hóa học và nắm vững kiến thức (trong ảnh là cảnh học sinh Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý đang làm thí nghiệm môn hóa học). Ảnh: N.Anh |
Trong chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT môn hóa học lớp 12, giáo viên cần để ý những phần giảm tải đã được Bộ GD-ĐT thông báo từ đầu năm để giúp các em giảm được lượng kiến thức cần phải nhớ. Mặc dù năm rồi môn hóa không có tên trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT nhưng kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy khi ôn tập các em phải có đề cương trong tay. Trong đề cương đã có sự giới hạn rất cụ thể cho từng chuyên đề. Các em bám vào chuyên đề để học và hệ thống hóa kiến thức là đi đúng hướng. Để lưu giữ tri thức vào bộ nhớ được lâu, các em cần nắm những ý chính từ đó phát triển thêm nội dung chi tiết theo chương trình đã học.
Thời điểm này, giáo viên nên hệ thống lại kiến thức sau đó cho học sinh kiểm tra thử. Qua kết quả kiểm tra, nếu còn học sinh nào yếu thì giáo viên cho các em tiếp tục dò lại bài. Mặc dù đề thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng khi ôn tập theo hướng tự luận thì sẽ nhớ bài lâu hơn. Ở bộ môn này có một đặc điểm đáng nhớ là ngoài việc học thuộc công thức và nắm vững kiến thức, người học có thể dùng mẹo để nhớ bằng các “câu thần chú” như: Khi Ba Cần Nàng May Áo Màu Da Cam Phái Người Sang Phố Hỏi Cụ Sắt (hai) Á Hậu Phi Âu (Dãy hoạt động hóa học)… Cách nhớ này tuy có máy móc nhưng lại thuận miệng vui tai và quan trọng hơn là ít khi quên trong lúc làm bài.
Khi giải bài tập hóa, các em chú ý đến bài tập phân loại như: Bài tập về este thì có những dạng nào? Cách giải ra sao? Và cần để ý đến cách tính nhanh. Trong các loại bài tập đã học, bài tập về Sắt thường được các em cho là phức tạp. Điều đó cũng đúng vì sắt (Fe) trong hợp chất có 2 hóa trị (2 và 3). Vậy muốn xác định sản phẩm của sắt nhanh trong giải trắc nghiệm thì cần xem sắt phản ứng với chất có tính oxi hóa thế nào? Lấy dẫn chứng như khi sắt hay hợp chất sắt phản ứng với chất oxi hóa nhanh. Ví dụ H2SO4 đậm đặc dư hay dung dịch HNO3 đậm đặc (hoặc loãng) dư thì sản phẩm là sắt có hóa trị 3.
Ở phần lý thuyết, dạng câu hỏi nhận biết hóa chất thì hơi khó. Lúc đó nên dùng “mẹo” để giải như trong nhận biết các chất vô cơ thì thuốc thử thường dùng là dung dịch NaOH, còn trong nhận biết các chất hữu cơ thì thuốc thử thường dùng là Cu(OH)2. Về đơn vị trong toán thì tương đối đơn giản không phải biến đổi nhiều như các bộ môn tự nhiên khác.
Kinh nghiệm cho thấy với những thí sinh có học lực yếu thì nên làm thêm nhiều đề thi thử vì khi làm nhiều đề các em sẽ có nhiều kinh nghiệm và phán đoán đáp án đúng khá cao và không khó khăn để “lấy” điểm 5 trong bài thi của mình.
Hóa học còn được gọi là môn ngoại ngữ có lý luận, nếu không chịu học bài thì dễ bị mất căn bản. “Gãy” bài trước kéo theo “gãy” bài sau. Phải kịp thời lấp chỗ trống của bài trước thì mới hiểu được bài sau vì các chương các lớp đều có mối quan hệ với nhau về nội dung kiến thức theo kiểu liên đới.
Đinh Ngọc Bình
(Tổ trưởng bộ môn hóa học, Trường THPT Hiệp Bình)
Bình luận (0)