Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô học trò cá biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh và giáo viên khác trong trường đều “ngán” cô học trò cá biệt, xem em như thành phần… “bất trị”. Nhưng cô học trò "bất trị" ấy đã thay đổi nhờ câu nói của một sinh viên sư phạm vừa ra trường còn nhiều vụng về, bỡ ngỡ.

Lần đó, cô giáo trẻ tham gia chương trình tình nguyện hè, dạy phụ đạo tại một vùng quê nghèo. Trong lớp, cô phải “đương đầu” với một nữ sinh lớp 7 ngỗ ngược, quậy phá, chửi thề liên tục… mà các bạn HS cũng như các giáo viên khác trong trường đều “ngán”.

Trong giờ học, em này liên tục phá bĩnh như thách thức cô giáo trẻ. Đứng lớp còn "non" nên cô chỉ biết lắc đầu, tạm thời “thua cuộc” khi nữ sinh này đáp gọn lỏn: “Không ra thì làm gì tui” sau lời mời của cô: “Em không học thì đi ra”.
Mỗi học trò đều có ưu thể, khả năng của riêng mình. (Ảnh minh họa)
Hôm sau, trong tiết Thể dục, em này tiếp tục chọc phá đám con trai. Bực bội quá, hai nam sinh trong lớp đã cùng “hợp sức” quay lại uýnh cô bạn. Biết một không thể chọi hai nên cô bé… bỏ chạy thục mạng.
Tốc độ chạy của em làm cô giáo cũng phải bất ngờ. Sau hôm đó, cô gọi em đến nói nhỏ: “Nè, hôm qua cô thấy em chạy hay ghê đó, nhanh quá chừng luôn. Bây giờ mỗi sáng thay vì tập thể dục nhịp điệu em chuyển sang tập chạy cho cô, tập cự ly 100m để cuối hè mình đăng ký thi Hội khỏe Phù Đổng nghe. Cô thấy em chạy được đó”.
Thật diệu kỳ! Chỉ sau một câu nói, cô học trò đã thay đổi đến bất ngờ. Không chỉ chăm tập chạy mà trong giờ học thái độ lấc cấc của em cũng không còn. Cuối hè, em đạt giải Nhì cuộc thi chạy, được lên bục nhận vòng hoa, phần thưởng trong sự chúc mừng của mọi người. Điều mà thành phần cá biệt như em chưa từng nghĩ đến. Cô giáo thực tập trở thành thần tượng của em, nói gì em cũng… chấp hành.
Một lời động viên tưởng chừng rất nhỏ của một giáo viên nhưng đằng sau đó, không chỉ chứa đựng cái nhìn cảm thông với học trò của cô mà còn thể hiện kỹ năng sư phạm. Cô không săm soi vào lỗi của em và hiểu rằng, việc em “quậy” cũng chỉ là nhu cầu tự khẳng định bản thân nhưng bị lệnh do chưa biết cách. Khi cơ hội đến, cô đã nắm ngay cơ hội để gợi lên ưu điểm cho em thấy.
Điều này giúp em học sinh phát hiện ra mình cũng có khả năng nào đó chứ không hẳn là thứ “bỏ đi” như nhiều người nghĩ. Đặc biệt, lời động viên cùng sự tin tưởng của cô giáo đã tiếp thêm sức mạnh để em khẳng định giá trị của mình. 
Trong giáo dục, quan trọng nhất là việc tìm ra và phát huy được ưu điểm, thế mạnh của học sinh. Nắm được nguyên tắc đó, cùng với tâm huyết, tấm lòng của mình, cô giáo trẻ ngày đó giờ là Tiến sĩ về giáo dục – thần tượng của rất nhiều học sinh, đặc biệt là những em từng mang danh “cá biệt”.
Hoài Nam
(Dân trí)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)