TPHCM hiện có hơn 20 điểm vui chơi ở công viên miễn phí dành cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều điểm vui chơi xuống cấp, không được tu sửa, bảo dưỡng. Do đó, để tìm được một sân chơi an toàn, bổ ích cho trẻ cũng là vấn đề nan giải của rất nhiều phụ huynh.
Không dễ để tìm một nơi vui chơi miễn phí, an toàn trong ngày hè cho trẻ.
Điển hình là khu trò chơi tại công viên văn hóa Phú Nhuận (Q. Phú Nhuận), sân chơi chỉ có một số trò chơi như cầu trượt, xích đu, vòng quay…, trong đó nhiều bộ phận bị gỉ sét và loang lổ, còn các trò chơi bằng nhựa đều ố màu và rất dễ gẫy, gây nguy hiểm cho các em khi tham gia trò chơi.
Tại công viên văn hóa Phú Lâm (Q. 6) có hai khu trò chơi, một miễn phí và một có thu phí. Nếu như bên thu phí được nhân viên chăm chút, tu bổ thì ngược lại, ở khu miễn phí vô cùng xập xệ. Đa số đồ chơi ở đây đều bằng nhựa, để ngoài nắng nên nhiều cái thì bạc màu, thứ thì gãy vỡ. Trò cầu tuột dành cho trẻ dưới 10 tuổi đã vỡ đầu, phần nhựa nhọn hoắt đưa cả ra ngoài; trò thú nhún đã gãy hết phần chỗ ngồi, cọc sắt lòi qua xung quanh rất nguy hiểm. Bà Thủy (65 tuổi) cho biết, chiều chiều bà thường hay ẵm cháu ra đây chơi, đút cháo sữa. “Bữa trước cháu tôi sơ ý đụng trúng chỗ sắt gỉ sét bị chảy máu. Sợ quá, tôi liền đưa đi chích ngừa. Hôm sau cũng thấy có cháu bị thương ngay chỗ cháu mình đã bị. Nhưng không đến đây thì biết đi đâu. Giờ chỉ dám cho cháu đứng nhìn là chủ yếu, không dám cho chơi”. Hỏi bà sao không ý kiến với ban quản lý công viên? Bà Thủy lắc đầu: “Mình có biết ai là quản lý đâu mà ý kiến”.
Còn tại khu trò chơi cát công viên Tao Đàn (Q.1), những trò chơi leo trèo bị đứt dây đã lâu mà không có ai sửa. Trẻ con leo lên rất nguy hiểm. Cơ sở vật chất tại đây cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Vào sâu trong công viên Gia Định (Q. Gò Vấp), rất nhiều kim tiêm, bao cao su vứt vương vãi nằm lẫn trong thảm cỏ. Phía đường Hoàng Minh Giám cũng bị một đội ngũ hàng rong “che lấp” mặt tiền công viên. Công viên Lê Văn Tám (Q.1), ngoài các trò chơi thông thường thì còn có một không gian khiêm tốn cho trẻ chơi patin. Tuy nhiên, sân này cũng là nơi để người lớn tập thể dục, học khiêu vũ nên không gian dành cho trẻ em đã hẹp lại càng hẹp hơn. Đáng nói là lượng người quá đông, dễ gây tai nạn.
Dạo quanh những công viên có khu vui chơi cho trẻ em, ngoài những trò chơi như cầu trượt, nhà banh, nhà hơi, tàu lượn, vòng xoay ngựa,… thì các công viên này không được trang bị thêm các trò chơi đa dạng khác nên không đáp ứng được nhu cầu vui chơi sáng tạo của trẻ. Do đó, các trò chơi tự phát ở khu dân cư được dịp nở rộ. Tại một khu trò chơi trong bãi đất trống ở đường Hồ Học Lãm (Q. Bình Tân), các đồ chơi như tàu điện, thú nhún, ngựa quay… đều đã cũ. Xung quanh trụ đỡ và thanh sắt tại vòng đu quay đã bong tróc lớp sơn, dây điện nằm vương vãi trên nền đất, còn cầu dao điện khởi động và các bình ắc quy không được che đậy. Nhiều chỗ, sân chơi được tận dụng, tổ chức trên những bãi đất trống gồ ghề, các trò chơi đã cũ kĩ, gỉ sét, nền cát để bảo vệ trẻ rất bẩn lẫn chung với rác thải.
TPHCM cũng có nhiều khu chơi tổng hợp với quy mô lớn như công viên văn hóa Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên, Lê Thị Riêng… được trang bị các trò chơi đa dạng với không gian thoáng mát. Bên cạnh đó, các hoạt động tại nhà văn hóa hay các trung tâm thiếu nhi như Kizcity (quận 4), Vietopia (quận 7), Adam Khoo (quận 1)… Hay chương trình học kỳ quân đội rèn luyện kỹ năng sống, trại hè… với nhiều hoạt động đa dạng cũng được giới thiệu rộng rãi. Thế nhưng, phụ huynh phải chi trả một khoản tiền khá cao, từ vài trăm ngàn đến cả chục triệu đồng. Do đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho trẻ tham gia được.
Uyên Phương (TPO)
Bình luận (0)