Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chơi, hát để học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh rất cần sân chơi để bồi bổ trí tuệ, phát triển tâm hồn. Ảnh: N.Trinh

Cân bằng giữa việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng sống và tạo điều kiện phát triển tinh thần cho học sinh bằng những sân chơi lành mạnh phù hợp với độ tuổi là hướng tới một phương pháp giáo dục toàn diện.
Từ nhà trẻ, mẫu giáo đến khi bước vào giai đoạn đầu của sự trưởng thành thì nhu cầu văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí ở trường học luôn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển nhân cách. Đôi khi hoạt động này lại giữ vai trò quyết định, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học. Nếu như biết tổ chức khoa học các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích sẽ kích thích sự hứng thú và giúp trẻ tiếp thu bài học tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay ở các trường phổ thông nhất là bậc tiểu học và THCS, dường như học sinh rất ít có cơ hội để thỏa mãn những nhu cầu bổ ích này, hoặc là thiếu sân chơi, hoặc là nhà trường coi nhẹ… Thay vào đó là sự phát triển của game online, phim ảnh, nhạc hot đang thâm nhập mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt của học sinh. Tình trạng đó đã dẫn đến không ít học sinh nghiện game online, bỏ học, trộm cắp, thậm chí có những trường hợp bị hoang tưởng, bị lão hóa về tâm hồn…
Để đạt được mục tiêu “giáo dục toàn diện” cần tạo sân chơi lành mạnh hướng dẫn các em biết tiếp thu chọn lọc các sản phẩm văn hóa để bồi bổ, phát triển tinh thần. Chú trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt là cần giúp cho trẻ thẩm thấu những làn điệu dân ca, phát triển phong phú những trò chơi dân gian ở nhà trường. Những hình ảnh bình dị, gần gũi qua các bài hát sẽ hun đúc tâm hồn của trẻ, giúp chúng thêm yêu quê hương, đất nước, cụ thể như cánh cò, lũy tre làng, cây đa, bến nước… những trò chơi dân gian không chỉ giúp các em biết giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn rèn luyện thể lực, phát triển trí tưởng tượng.
Đồng thời, thông qua các làn điệu dân ca, những trò chơi dân gian sẽ củng cố tinh thần tập thể cho học sinh, giúp các em có thể chia sẻ, đồng cảm, trong sáng về tâm hồn, rèn luyện thể lực, khả năng khéo léo, nhanh nhẹn; hình thành những kỹ năng sống cần thiết trong hoạt động cộng đồng; giúp trẻ cân bằng giữa hoạt động vui chơi và học tập, phát triển đời sống tinh thần theo độ tuổi, hạn chế những cám dỗ từ môi trường xấu bên ngoài… Để thực hiện tốt hơn trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, cần có những giải pháp và hướng đi phù hợp. Việc thiết kế nội dung chương trình, sưu tầm, lựa chọn các giá trị văn hóa truyền thống và tổ chức thực hiện hiệu quả ở nhà trường là trách nhiệm của ngành GD-ĐT, là sự sáng tạo ở các cơ sở giáo dục địa phương.
Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý, ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)