Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh vào lớp 10: Môn văn: Thí sinh không chỉ học thuộc lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Lê Lợi (Q.3) ôn tập môn văn để chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10. Ảnh: D.B

Để bài thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt điểm cao không dễ. Tuy nhiên, nếu thí sinh (TS) nắm vững kiến thức, có phương pháp làm bài và khả năng diễn đạt tốt, cùng với sự sáng tạo (nhưng vẫn đảm bảo nội dung yêu cầu của đề) thì chắc chắn sẽ đạt kết quả khả quan.
Cô Đoàn Thị Sáu (Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1):
TS cần nắm rõ nội dung tác phẩm
Muốn làm tốt bài thi môn văn, ngoài năng khiếu ra các em cần thuộc văn bản, nắm được ý nghĩa nội dung (cùng giá trị nghệ thuật) và phương pháp làm bài để đạt được điểm cao. Thông thường, đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT có 3 nội dung: Một câu buộc TS phải thuộc lòng kiến thức; một câu về làm văn nghị luận xã hội (3 dạng đề là nghị luận về tư tưởng – đạo lí, nghị luận về sự việc – hiện tượng và về đức tính hoặc kỹ năng sống); một câu là tập làm văn.
Ở câu thứ nhất, phần tiếng Việt, TS thường hay mắc lỗi là gọi tên kiến thức tiếng Việt mà quên từ ngữ biểu hiện kiến thức hoặc ngược lại. Chẳng hạn, đề thi yêu cầu các em xác định thành phần biệt lập trong câu: Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hạn hữu cho sáng tác… thì TS sẽ xác định thành phần biệt lập là chao ôi nhưng lại quên gọi tên đó là thành phần cảm thán cho nên thường không được điểm trọn vẹn.
Đối với đề văn nghị luận xã hội, các em cần nắm được dàn bài, bài nào cũng phải giới thiệu vấn đề, giải quyết và kết thúc vấn đề. Phân biệt nội dung vấn đề thuộc về tư tưởng đạo lí hay sự việc, hiện tượng đời sống hoặc đức tính, kĩ năng sống để phát triển vấn đề đúng yêu cầu. Làm câu nghị luận xã hội các em thường không xác định kĩ yêu cầu viết văn bản với viết đoạn văn nên khi đề yêu cầu viết văn bản các em lại viết đoạn văn. Đoạn văn và văn bản đều có 3 phần. Đoạn văn gồm: Mở đoạn, phát triển, kết đoạn, 3 phần viết liền trong một đoạn. Văn bản gồm: Mở bài, thân bài, kết bài, mỗi phần tách ra thành từng đoạn rõ ràng.
Còn đề tập làm văn các em cần nắm được phương pháp làm bài. Lưu ý, nếu đề ra là nghị luận về một bài thơ thì mở bài TS giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát nội dung tác phẩm rồi sang phần thân bài mới đi phân tích hoặc cảm nhận… Nhưng nếu là nghị luận về đoạn thơ thì mở bài cần thêm ý giới hạn về phạm vi của đề và trích dẫn đoạn thơ đề yêu cầu phân tích hoặc cảm nhận…. Phần kết của bài nghị luận đoạn thơ thì phải đánh giá hoặc cảm nhận chung về đoạn thơ đặt trong giá trị của bài thơ, còn nếu TS đánh giá bài thơ sẽ không đúng với yêu cầu của đề. Đối với đề nghị luận về một nhân vật trong tác phẩm truyện thì các em cần nắm rõ đặc điểm tính cách nhân vật, tóm tắt tác phẩm, các chi tiết tiêu biểu để dẫn chứng, phân tích, cảm nhận.
 
Cô Trần Thị Trang Nhã (GV môn văn, Trường THCS Bình Lợi Trung, Q.Bình Thạnh):
Lập dàn ý trước khi làm bài
Đối với môn văn, để đạt điểm cao thường không dễ như các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nếu TS có kiến thức cơ bản sẽ đạt điểm 7 hay 8, còn nếu có thêm niềm đam mê và năng khiếu thì có thể đạt được điểm 9; rất hiếm TS đạt được điểm 10. Vì thế, khi ôn tập môn văn, TS cần nắm rõ ý chính rồi mở rộng các ý nhỏ chứ không nên học thuộc lòng một cách máy móc.
Phần tiếng Việt, nếu đề ra về viết văn bản nhưng có câu hỏi kiến thức tiếng Việt, trong đó yêu cầu TS gạch dưới một số từ loại hoặc chú thích yêu cầu đưa ra nhưng TS thường bỏ sót phần này nên dễ bị mất điểm.
Phần văn nghị luận, khi ôn tập TS nên ôn ý chính trước rồi triển khai ra ý nhỏ, nhiều TS ôm đồm học thuộc cả ý chính lẫn tất cả ý nhỏ nên thỉnh thoảng dẫn đến tình trạng quá tải, hay quên và giảm tính sáng tạo của mình. Phần này, TS cần hiểu, phân tích bài cho kỹ, cảm nhận được ý nghĩa, tình cảm của tác giả gửi trong tác phẩm, yêu tác phẩm, yêu nhân vật và có thêm một chút sáng tạo nhưng phải đảm bảo nội dung yêu cầu của đề… Ngoài ra, ở phần thân bài mỗi ý nên chia thành mỗi đoạn nhỏ để tránh tình trạng bài văn quá dàn trải thì sẽ đạt điểm cao. Còn phần văn nghị luận xã hội, TS cần nắm vững phương pháp làm bài, tìm được nhiều dẫn chứng ở ngoài xã hội, viết câu cú mạch lạc, trôi chảy sẽ làm tốt bài thi.
Khi làm bài thi, TS nên đọc kỹ đề, gạch dưới các yêu cầu của đề và lập dàn ý ra ngoài giấy nháp. Làm xong bài thi nhớ đọc lại thêm một lần để chỉnh sửa các lỗi sai về chính tả, tránh mất điểm diễn đạt.
Dương Bình (ghi)
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012-2013 diễn ra trong hai ngày 21 và 22-6, với ba môn thi là ngữ văn, toán và Anh văn. Theo quy định, điểm tuyển là tổng điểm ba bài thi với hệ số theo quy định (ngữ văn và toán hệ số 2, môn thứ ba hệ số 1) và tổng điểm cộng thêm (nếu có) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm.
Sau khi được tuyển vào trường, học sinh sẽ được hướng dẫn để chọn ban theo nguyện vọng và năng lực.
T.D
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)