Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bảy ưu tiên cho giáo dục Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà nước phải dành những ưu tiên về ngân sách, cơ sở vật chất… cho nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh. Ảnh: N.Anh

Đối với các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, đổi mới giáo dục luôn là nhu cầu thường xuyên và bức thiết nếu không muốn tụt hậu trong cuộc chạy đua phát triển ngày càng gay gắt. Và cũng không nên ảo tưởng rằng chỉ có một lần đổi mới giáo dục là giải quyết ngay được nhiều vấn đề bức xúc của giáo dục đã tích tụ trong mấy chục năm qua. Việc này không chỉ để riêng cho ngành giáo dục lo mà cả hệ thống chính trị của nước ta, cả Đảng, Nhà nước và toàn xã hội lo mới giải quyết được. Chúng ta càng nóng ruột khi nhìn vào những con số xếp hạng về giáo dục của Việt Nam và các nước xung quanh ta do UNESCO tiến hành. Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục năm 2008 của UNESCO công bố cách đây 4 năm cho thấy Việt Nam tụt 9 bậc, xếp thứ 79/129 nước về chỉ số phát triển giáo dục.
Từ lâu lịch sử đã chứng minh một quy luật thép rằng: “Không có một sự tiến bộ và thành đạt quốc gia nào mà lại tách rời khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục của quốc gia đó. Và những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức hay khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận quốc gia đó xem như đã an bài và còn tồi tệ hơn sự tàn phá”.
Hơn 20 năm qua chúng ta đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, “Coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế xã hội”. Nhưng nhìn lại mới thấy những quan điểm rất đúng đắn đó mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, chưa được cụ thể hóa và quán triệt thực sự trong hành động. Tình trạng yếu kém, tụt hậu về giáo dục đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Tôi đề nghị phải coi đầu tư cho tương lai là một ưu tiên tuyệt đối cho giáo dục. Một kinh nghiệm lớn của thế giới cũng đã được đúc kết thành quy luật: “Hễ quốc gia nào đầu tư đúng và đủ cho giáo dục thì quốc gia đó sẽ tiến nhanh trên con đường phát triển của mình, còn nếu làm ngược lại sự chậm phát triển và thụt lùi sẽ là điều không tránh khỏi”.
Tôi đề nghị cần ưu tiên cho giáo dục các nhân tố sau: Thứ nhất, ưu tiên nhận thức: Giáo dục phải trở thành mối ưu tiên hàng đầu của mọi người, nhất là những người làm ra chính sách hoặc hoạch định đường lối phát triển quốc gia. Thứ hai, ưu tiên ngân sách: Ngân sách giáo dục phải được xây dựng đúng với tầm quan trọng của nó. Phải dần nâng lên ngân sách giáo dục chiếm từ 25 đến 30% ngân sách quốc gia. Thứ ba, ưu tiên sử dụng nguồn lực vật chất nhất là ưu tiên đất đai để xây dựng trường sở, dành những địa điểm thuận lợi nhất để làm trường. Thứ tư, ưu tiên tài trợ quốc tế, những khoản vay ODA hoặc FDI và các nguồn tài trợ khác cũng phải dành một phần đáng kể cho giáo dục. Thứ năm, ưu tiên nhân sự: Giáo dục chỉ có thể đạt được hiệu quả nếu những người làm công tác giáo dục bao gồm từ các nhà quản lý giáo dục cho đến những người trực tiếp đứng trên bục giảng phải là những người ưu tú. Thứ sáu, ưu tiên thời gian: Phải dành thời gian ưu tiên quan tâm tới nhà trường, tới thầy cô giáo và các em học sinh và ưu tiên làm việc để giải quyết kịp thời các nhu cầu cũng như các vấn đề nảy sinh trong trường học. Thứ bảy, ưu tiên lương bổng cho nhà giáo: Chúng ta không thể đòi hỏi nhà giáo dành tất cả thời gian và tâm huyết cho việc đào luyện học sinh khi đồng lương không đủ nuôi sống họ. Chừng nào còn chế độ lương bổng cho giáo viên như hiện nay chừng đó không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục tốt lên được, chừng đó không còn cách chống dạy thêm học thêm.
Tôi nghĩ rằng Trung ương hãy dành cho giáo dục những đường lối chính sách vĩ mô tốt nhất. Còn các vấn đề chuyên môn nên giao cho các nhà giáo giỏi, những nhà quản lý giỏi những nhà khoa học giỏi tham gia giải quyết. Cũng cần có chính sách động viên Việt kiều ta dành tâm huyết giúp cho giáo dục nước nhà tìm các nguồn tài trợ giúp vào quỹ khuyến học, khuyến tài cho các học sinh nghèo và những học sinh – sinh viên tài giỏi trong nước.
PGS.TS Lương Ngọc Toản
(Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)