Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Yêu ở tuổi… tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Để không xảy ra tình trạng “yêu” ở học sinh tiểu học, vai trò của cha mẹ và thầy cô trong việc giáo dục các em là rất quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Đối với phụ huynh, việc con mình yêu ở tuổi… tiểu học là hết sức ghê gớm. Tuy nhiên, với giáo viên thì việc này đã xảy ra nhiều năm nay.
Cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với các hình ảnh yêu đương nam nữ từ phim truyền hình, internet, nhạc, truyện… ngày càng nhiều. Mặc dù cơ thể chưa phát triển nhưng tâm lý các em vẫn cảm nhận được là những hình ảnh ấy thể hiện tình yêu nam nữ, và các em đã nhầm lẫn giữa tình bạn khác phái ở lứa tuổi này là yêu. Thích, mến bạn vì học giỏi, hát hay, dễ thương… là yêu. Chính vì thế, các em học cách biểu hiện tình yêu mà mình thấy. Năm trước, có giáo viên đã la mắng, mời phụ huynh lên để trao đổi khi bắt gặp một em học sinh lớp 5 viết thư cho bạn gái trong lớp với dòng chữ “I love you”.
Hiện nay, học sinh lớp 1 cũng thường viết câu ấy khi tặng quà sinh nhật cho bạn vì các em đã được học tiếng Anh. Giờ đây, thầy cô dạy ở tiểu học thường đọc được những bức thư tình của các em viết cho nhau, thậm chí các em còn làm thơ tình (chính xác hơn là chép thơ ở đâu đó), nhiều nhất là vào dịp 8-3, ngày tình nhân 14-2. Số học sinh nữ viết cho nam cũng nhiều không kém nam viết cho nữ. Các em còn thể hiện sự yêu thích bằng cách giờ chơi nào cũng mua bánh kẹo mời nhau ăn hay tặng quà. Lớp nào cũng xuất hiện một vài cặp như thế, nhất là ở các lớp 4, 5. Thời gian đầu, giáo viên cũng rất bất ngờ và báo động ngăn chặn những biểu hiện này nhưng về sau, mọi người đều thấy khó ngăn cản được vì đây là biểu hiện tình cảm mà các em thấy hàng ngày. Càng xử lý nghiêm khắc khi phát hiện thì các em càng giấu giếm. Do đó, việc cần thiết là giáo dục cho các em biết biểu hiện yêu mến nào là không phù hợp với lứa tuổi, thể hiện yêu mến thế nào cho đúng. Tôi đã từng phát hiện một học sinh nam lớp mình chủ nhiệm mua con thú nhồi bông trị giá 300.000 đồng để tặng cô bạn gái mà em rất thích ở lớp cạnh bên nhân sinh nhật em đó. Việc đầu tiên, tôi liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lớp đó, nhờ cô nói chuyện với em nữ sinh ấy, phân tích cho em thấy không nên nhận món quà đắt tiền và dặn nhớ cám ơn bạn trai đã tặng. Khi em học sinh nam lớp tôi bị từ chối quà tặng, em rất buồn, và tôi đã trò chuyện với em. Tôi cho em biết thể hiện tình cảm ở tuổi các em chỉ cần một lời chúc hay một tấm thiệp (thiệp tự làm càng tốt) là đủ. Một bạn gái tốt không bao giờ nhận món quà đắt tiền từ bạn mình vì tuổi các em chưa làm ra tiền và muốn bạn gái mến mình thì mình phải học giỏi, tham gia các hoạt động trường sao cho nổi bật hơn các bạn trai khác.
Để các em tránh được việc “yêu” ở tiểu học, sự giáo dục từ phía gia đình là rất quan trọng. Cha mẹ cần chú ý quan tâm nhiều hơn đến các em. Khi các em xem truyền hình hay lên mạng, phụ huynh cần đến xem để biết chương trình đó, bộ phim ấy… có hợp với các em không, rồi khéo léo hướng các em chuyển kênh. Nếu bộ phim có những cảnh tình cảm “ướt át”, cần cho các em biết đây là biểu hiện của nam nữ trưởng thành, còn trẻ em mà có những biểu hiện như vậy sẽ bị coi là trẻ hư, không ngoan. Sách truyện thiếu nhi hiện nay có những truyện dịch từ nguyên bản nước ngoài nên có nhiều chi tiết không thích hợp lắm với trẻ em Việt Nam. Phụ huynh cần xem sách trước khi cho con mình đọc. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần mạnh dạn trả lời các thắc mắc của con về tình yêu nam nữ để kịp thời chỉ dạy các em cách ứng xử với bạn khác phái phù hợp lứa tuổi mình.
Lê Phương Trí
Hiện nay, thầy cô dạy ở tiểu học thường đọc được những bức thư tình của học sinh viết cho nhau, thậm chí các em còn làm thơ tình (chính xác hơn là chép thơ ở đâu đó), nhiều nhất là vào dịp 8-3, ngày tình nhân 14-2.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)