Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thủ khoa tốt nghiệp THPT (hệ GDTX) Nguyễn Thị Thùy Trang:Không để nhầm lẫn kiến thức

Tạp Chí Giáo Dục

Thùy Trang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ 

Điều ấn tượng nhất của thầy cô và bạn bè ở Trung tâm GDTX Q.Tân Phú đối với Thùy Trang chính là trong sáu môn thi thì em có ba môn đạt điểm 10 trọn vẹn. Đây là một kỳ tích hiếm có ở hệ GDTX (Thùy Trang đạt 56,5 điểm/ 6 môn – PV). Để có ba môn toán, lý, hóa đạt được điểm tối đa, cô học viên lớp 12N2 phải trải qua một quá trình học tập khoa học và nỗ lực. Theo Thùy Trang, môn toán muốn nhớ lâu thì cần phải hiểu bài trước. Khi đã thông làu kiến thức thì việc nhớ công thức không quá khó và sẽ phản xạ nhanh trong quá trình “xử lý” bài tập. Ở môn vật lý cũng vậy, nắm kỹ lý thuyết thì sẽ giúp người học tìm được “lối vào” bài tập nhưng điều lưu ý là phải “cọ xát” nhiều với các dạng bài tập. Với môn hóa học, thầy cô dạy bài nào học ngay bài đó thì không bao giờ bị “cùn” kiến thức. Ngoài các phản ứng hóa học, bây giờ học môn này có thể dùng được cả sơ đồ biến hóa theo kiểu nhánh cây. Đây là cách học theo con đường trực quan và tạo nhiều hứng thú.
Tuy ba môn khoa học xã hội không có điểm “đụng trần” nhưng nhưng điểm thi đều trên 8. Theo Thùy Trang, nếu học bài sử nhiều quá thì dễ quên vì học vẹt không thể nhớ lâu. “Học vẹt thì biết câu hỏi nhưng khi lên lớp và nhất là vào phòng thi, chúng ta lại không biết trả lời” – Thùy Trang đúc kết. Năm nay môn địa có nhiều thí sinh dưới trung bình nhưng cô học viên Trung tâm GDTX Q.Tân Phú vẫn giành được điểm 9. Kinh nghiệm của em là theo dõi đề thi từ mấy năm trước để nắm kiến thức địa tự nhiên và 7 vùng kinh tế. Học thuộc nhưng phải hiểu mới nhớ được. Đây là nguyên tắc bất biến. Bên cạnh đó phải biết vận dụng “bảo bối” Atlat, biểu đồ để phân tích và nhận xét theo hướng đề ra.
Đối với môn ngữ văn không chỉ rành cách làm bài văn nghị luận mà còn phải thâu tóm được đặc điểm riêng của từng loại thể. Theo Thùy Trang, muốn phân tích giá trị nội dung bài thơ thì phải nắm được nghệ thuật, đi từ nghệ thuật của ngôn từ, hình ảnh để phân tích thơ. Còn văn xuôi lại chú ý hơn về nhân vật, về hình tượng. Điểm chung của hai thể loại là phải thuộc một ít dẫn chứng để minh họa thì bài văn mới hay và có sức thuyết phục hơn. Viết văn mà không có dẫn chứng như cái cây có cành nhưng không có hoa, có quả…, Thùy Trang cho biết.
Danh hiệu thủ khoa sẽ tạo “đà” cho cô học viên giỏi toán cấp thành phố thực hiện ước mơ “ấp ủ” lâu nay là trở thành cô giáo dạy lý nếu trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)