Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Luyện thi đại học bằng… văn mẫu

Tạp Chí Giáo Dục

Việc dạy và học văn hiện nay còn theo khuôn mẫu khiến cho sự cảm thụ văn học của học sinh bị hạn chế (ảnh minh họa). Ảnh: N.Hùng

Năm nay, ba đứa con của ba người bạn tôi đều thi đại học và cùng chọn khối thi có các môn toán, văn, Anh.
Mặc dù ba cháu luyện thi ở các trung tâm, với các thầy cô khác nhau, thế nhưng ở môn văn thì bài học gần như giống nhau. Các dạng bài phân tích, chứng minh, phát biểu cảm nghĩ… về nội dung, nghệ thuật, nhân vật trong các tác phẩm văn học gần như giống nhau đến 90%. Cứ đề bài như thế thì phải “đối phó” bằng một đáp án gồm 3, 4 ý chính và từ mỗi ý chính triển khai thành các ý nhỏ 1a, 1b, 1c… Bài học luyện thi của các cháu giống nhau hoàn toàn các ý chính, ý nhỏ; chỉ khác biệt ở chỗ các ý nhỏ nhiều hay ít mà thôi (chủ yếu là dẫn chứng thêm).
Cách dạy và học văn ở trình độ thi đại học hiện nay như vậy thật ngán ngẩm. Qua đó, đủ hiểu cách chấm văn của các kỳ thi đại học hiện nay cũng là chấm theo ý, theo khuôn như đáp án. Điều này dẫn đến cách dạy, học văn phải theo khuôn mẫu, phải thuộc ý chính. Bài hay chỉ hơn bài dở ở chỗ thuộc ý nhiều hay ít, cách liên kết câu chặt chẽ, chữ đẹp. Nó đã làm mất đi sự suy nghĩ tìm tòi phát hiện những ý mới, những cảm nhận mới về một tác phẩm văn học xưa cũ. Cái riêng của từng cá nhân trong cảm thụ văn học không còn. Với một tác phẩm văn học, cảm thụ ở từng người luôn khác nhau, không thể nói thế hệ đi trước đã cảm nhận đúng hơn, tốt hơn và các em học sinh cứ thế mà theo. Cùng một lứa tuổi nhưng trình độ khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau… chắc chắn cảm thụ một tác phẩm cũng khác nhau.
Còn nhớ mấy mươi năm về trước, khi còn học trung học, có lần, cô dạy văn đã cho chúng tôi đề bài: “Em hãy nêu những cảm nhận của mình khi đọc câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây nấy””. Chúng tôi đã viết bằng tất cả vốn hiểu biết văn học và vốn sống của mình thật hào hứng. Bài viết hôm ấy có hai bạn cùng đạt điểm 8 và được cô khen. Điều đặc biệt là hai bài viết ấy khác nhau hoàn toàn. Một bạn viết với nội dung chính là phải biết yêu quý những gì đã đem đến điều tốt đẹp cho mình. Bạn còn lại thì cho rằng đó là một quan điểm ích kỉ, chỉ quan tâm đến những gì đem lại lợi ích cho bản thân mà thôi. Hai bài viết lý luận vững vàng, dẫn chứng chặt chẽ, câu trôi chảy, từ dùng chính xác… Cô giáo đã phân tích từng bài, cho chúng tôi thấy rõ những điểm hay của từng bạn. Hai bài văn ấy và lời giảng của cô, đến giờ này chúng tôi vẫn còn nhớ.
Nhìn cách dạy và học văn hiện nay, nhớ đến ngày xưa để… buồn. Đến bao giờ thì cách dạy và học văn mới được đổi mới theo hướng sáng tạo?
Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)