Sinh viên Trường ĐH dân lập Kỹ thuật và Công nghệ TP.HCM xếp hàng vào thang máy
|
Gạt qua những người xung quanh, không muốn chờ đợi ai… để công việc của mình được giải quyết trước là hành vi không đẹp, còn tồn tại khá phổ biến ở những nơi công cộng.
Hành vi thiếu ý thức này vẫn đã, đang còn tồn tại không những làm nhiều người xung quanh khó chịu mà còn khiến diện mạo đời sống xã hội nơi công cộng kém văn minh.
“Vượt lên thiên hạ” nhờ… chen lấn
Vừa qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tổ chức bán hồ sơ thi tuyển cho học sinh có nguyện vọng thi vào trường. Hồ sơ bán ra nhiều, cửa bán cũng không ít nhưng do sợ trường bán hết hồ sơ nên phụ huynh cố gắng chen chân, với tay để có thể mua được một bộ hồ sơ. Chỉ khi có được bộ hồ sơ trong tay thì nét mặt của phụ huynh mới giãn ra hỏi han, bàn luận sôi nổi. Chị Hoàng Thị Thu (Q.3) nói với tôi: “Nếu không nhanh chân mua thì không khéo hồ sơ sẽ hết, con mình mất cơ hội thi vào trường”.
Mặc dù không xảy ra sự cố đáng tiếc như cảnh phụ huynh chen lấn, xô ngã hàng rào, vượt mặt bảo vệ như Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) vừa qua, nhưng sự việc phụ huynh chen lấn, xô đẩy khiến quang cảnh sân trường trở nên lộn xộn, thiếu trật tự. Người đi ngoài đường nhìn vào dễ “tưởng tượng” trường đang… xảy ra chuyện gì.
Tương tự, một buổi họp phụ huynh cuối năm tại Trường T.B (Q.9) vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người. Chẳng là mỗi phụ huynh vào trường đều kèm theo một xe máy. Ai cũng muốn nhanh chân vào họp, vì thế xe trước chưa vào, xe sau đã tới. Trong vòng ít phút, cổng trường kẹt cứng. Phụ huynh, giáo viên loay hoay tìm lối vào, ba anh bảo vệ đứng ra ghi vé xe, hướng dẫn lối vào để xe làm không xuể. Tình thế khiến cô hiệu phó phải đích thân hướng dẫn lối cho phụ huynh vào. Chỉ đứng nhìn cảnh phụ huynh ùn ùn vào cổng cũng đủ toát mồ hôi.
Không riêng các cổng trường học mới có tình trạng chen lấn mà nhiều nơi khác cũng tương tự. Người tham gia không cần biết mình đến trước hay đến sau, mà chỉ quan tâm mình có được đi trước, công việc có được giải quyết trước hay không. Sự vô tình của đám đông đã khiến không ít người rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười… Hàn Hà, học viên cao học Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Năm trước, vì bị sinh viên chen lấn khi lên thang máy mà một giảng viên dạy trong khoa bị cánh cửa thang máy kẹp tay. Tai nạn khiến thầy sợ sinh viên, sợ luôn thang máy. Bây giờ mỗi lần lên xuống lầu, thầy đều nhờ sinh viên trong lớp “hộ tống” cho an toàn. Chưa kể, đã có bạn bị kẻ gian lợi dụng cảnh đông đúc trong thang máy để làm điều xấu như móc túi lấy tiền, điện thoại…”.
Mỗi người nhường nhau một ít
Nhắc đến sự cố xảy ra với giảng viên nọ, không ít sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tỏ ra ám ảnh, nhớ mãi. Trường có đến hàng ngàn sinh viên, cán bộ công nhân viên ra vào mỗi ngày. Lối đi vào bãi gửi xe, không gian thang máy luôn trong tình trạng “đất chật người đông”. Nếu không ai nhường ai thì tình trạng lộn xộn đương nhiên xảy ra. Tuy nhiên, đầu năm trở lại đây, quang cảnh lộn xộn, mất trật tự nơi công cộng đã không còn nữa thay vào đó là hình ảnh tất cả mọi người đều xếp hàng. Không ai bảo ai, theo thứ tự mọi người xếp hết chỗ của hàng thứ nhất thì sang hàng thứ 2, thứ 3… Việc làm này khiến người quen cũng như người lạ đến trường cảm thấy thoải mái, vui vẻ, an toàn.
Thảo Vy, sinh viên khoa quan hệ quốc tế, chia sẻ: “Theo tâm lý, cứ người bên cạnh chen thì mình cũng chen. Nếu không chen đâm lo lắng sợ trễ giờ. Thế nhưng, thấy người trước xếp hàng thì mình cũng xếp hàng và người sau cũng đứng vào hàng. Việc làm cứ dần đi vào nền nếp. Mình thật vui khi mọi người đã làm được điều này”.
Các bạn sinh viên Trường ĐH dân lập Kỹ thuật và Công nghệ TP.HCM, Trường CĐ Bách Việt… cũng có hành động đẹp không kém. Không ai bảo ai, người đến trước xếp hàng trước, đến sau xếp hàng sau lần lượt ra vào. Đề cập đến vấn đề này, thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh (Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM), chia sẻ: “Việc xếp hàng không chỉ tránh sự lộn xộn, bát nháo, mất an ninh mà còn tạo sự công bằng đến tất cả mọi người, thể hiện sự văn minh ở chốn công cộng và còn đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Thiết nghĩ những hành vi đẹp này nên được nhân rộng, dù ở bất cứ nơi đâu”.
Theo cô Minh, để tạo ra nề nếp này không khó. Chỉ cần được nhà trường, ban quản lý quan tâm, nhắc nhở, đưa ra nội quy thì thời gian ngắn sau mọi người sẽ tuân theo. Khi đã trở thành ý thức thường trực thì mọi người sẽ tự giác thực hiện.
Bài, ảnh: N.Trinh
“Để tạo ra nề nếp này không khó. Chỉ cần nhà trường đưa ra nội quy thì thời gian ngắn sau mọi người sẽ tuân theo. Khi đã trở thành ý thức thường trực thì mọi người sẽ tự giác thực hiện”, thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh, khẳng định. |
Bình luận (0)