Trong khi nhiều người dân tại TPHCM than khó đặt mua thực phẩm, một số siêu thị phản ánh bị khách làm khó khi đặt những đơn hàng lên đến hàng trăm kg hay có ngày bị bom hàng trăm đơn hàng…
Hiện, các siêu thị vẫn chủ yếu bán hàng theo đơn đặt hàng của chính quyền; còn tùy mỗi siêu thị có thể linh động nhận đơn hàng của khách gom đơn chung, giao cùng lúc. Theo một số siêu thị, khâu phối hợp đặt, giao hàng từ một số chính quyền địa phương vẫn còn chậm, có nơi nhanh, nơi chậm dẫn tới tình trạng người dân lâu nhận được hàng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số siêu thị, tình trạng người dân "bom hàng" (đặt nhưng không nhận) hay có cá nhân đặt một lần số lượng lên đến hàng trăm ký, chẳng hạn có đơn hàng 50-100kg gạo… siêu thị khó đáp ứng trong hoàn cảnh thiếu nhân lực hiện nay. “Có siêu thị bị "bom hàng" lên đến cả trăm đơn. Hàng giao xuống địa phương dân không nhận, chính quyền năn nỉ siêu thị nhận lại hàng, nhân viên phải gỡ từng gói hàng ra sắp xếp lại lên kệ…”, đại diện một siêu thị (đề nghị không nêu tên) chia sẻ.
Theo đại diện một số hãng công nghệ, lượng shipper hoạt động lại từ 31/8 không nhiều
Trong khi đó, tình trạng quá tải đơn hàng qua điện thoại, Zalo, app mua sắm… của các cửa hàng tiện lợi vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Nguồn hàng tại các cửa hàng vẫn có dấu hiệu khan hiếm, đặc biệt là rau củ. Nhiều khách mua phản ánh, đặt hàng 3-5 ngày tại Vinmart, Bách Hóa Xanh mà không được các cửa hàng xác nhận đơn hàng. Một số trường hợp than phiền khi nhận được hàng thì nhiều loại rau quả bị dập nát, úng hư; trứng vỡ…
Mặc dù shipper (người giao hàng) được hoạt động nội quận, xét nghiệm COVID-19 miễn phí, nhưng các đơn vị giao hàng, đi chợ giúp cho biết hiện lượng tài xế đi làm lại chưa nhiều. Nguyên nhân chính do họ phải đợi quá lâu để xét nghiệm COVID-19.
Theo đại diện ứng dụng Be, đơn vị có 497 tài xế được duyệt hoạt động lại và đang làm việc với Sở Công thương TPHCM để tăng thêm số lượng tài xế. Tuy nhiên, trong buổi sáng 31/8, tài xế phải xếp hàng xét nghiệm COVID-19 nên hiệu suất giao hàng chưa được nhiều.
Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết lượng shipper nhận giao hàng trong ngày 31/8 vẫn chưa nhiều nên chủ yếu vẫn sử dụng nhân viên siêu thị. Hiện số lượng nhân viên được cấp giấy đi đường tăng lên nên tiến độ soạn, giao hàng nhanh hơn so với mấy ngày trước.
Khó đặt mua tại các cửa hàng, siêu thị… nhiều nhóm người tiêu dùng chung nhau đặt mua thịt, cá, rau củ, trái cây… với số lượng lớn từ Lâm Đồng, Đồng Nai về TPHCM. Chị Cúc (ngụ quận 5, TPHCM) cho biết ban đầu chị giúp hàng xóm mua thực phẩm, gom đơn 50 thùng hàng chuyển từ Lâm Đồng về theo combo từ 150.000-300.000 đồng/thùng gồm bắp cải, cà chua, cà rốt, khoai tây, cà tím, cải thảo, cam, chanh, ớt, sả… Sau nhiều khách ở các quận khác đặt hàng nên chị về thêm một đợt 50 thùng nữa, khách tự đến lấy hoặc giao qua shipper. Tuy nhiên, mua hàng theo nhóm mua chung, người tiêu dùng cũng đối diện với rủi ro về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, chuyển tiền mà không nhận được hàng.
Theo Nguyễn Cẩm/PNO
Bình luận (0)