Nhà trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng giao tiếp nhằm giúp các em xử lý tốt những bế tắc trong quan hệ bạn bè (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh:. N.Anh
|
Những câu chuyện đau lòng về sự ứng xử bạo lực trong học sinh cứ liên tục xảy ra. Mới đây là vụ nữ sinh lớp 10 một trường THPT ở Thái Bình bị đánh rồi bị tung clip lên mạng. Trước đó không lâu cũng xảy ra chuyện hai nữ sinh lớp 10 đánh nhau mà nguyên nhân chỉ vì “đẹp mà chảnh”…
Sự việc này đã dẫn đến rất nhiều băn khoăn, lo lắng từ công luận. Tuy nhiên, khi đề cập việc đánh nhau, “nạn nhân” của vụ bạo lực này không tỏ ra chút bối rối, băn khoăn nào. Nhưng em cho biết rất thất vọng về những người bạn một thời vốn chơi thân với nhau và cảm thấy chán chường vì mất niềm tin vào tình bạn. Đối với em, sự mất mát, nỗi đau tinh thần lớn hơn nhiều so với những hành động đấm đá túi bụi vào người em.
1. Tại sao các em vốn chơi thân với nhau lại trở thành “kẻ thù không đội trời chung”? Tại sao hiện tượng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn? Và mức độ nguy hiểm trong cách hành xử của học sinh ngày càng nhân lên? Chưa thể có ngay câu trả lời thật rõ ràng, tuy nhiên một điều dễ thấy là sau bao nhiêu sự kiện có liên quan đến bạo lực học đường thì xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cũng như gia đình hình như vẫn chưa có những quyết sách, hành động thích hợp để ngăn ngừa. Tức là những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn như cũ, chưa được giải quyết thấu đáo. Mà điều đáng băn khoăn nhất đó là do học sinh gặp phải bế tắc trong hành xử và mất niềm tin vào cuộc sống.
2. Sự phản ứng của xã hội nói chung và của ngành giáo dục nói riêng trước tình trạng bạo lực học đường dường như là chỉ ra các văn bản chỉ thị, nhắc nhở các trường tăng cường ngăn chặn bạo lực, đuổi học sinh theo các khung thời gian khác nhau… đó không phải là những cách thức căn bản và hữu hiệu trong việc ngăn ngừa vấn nạn này. Những biện pháp mang tính “hành chính” này dường như gây cho học sinh một tâm lý “nhờn thuốc”. Những em gây ra các vụ vi phạm không còn sợ trước các đòn kỷ luật lặp đi lặp lại của nhà trường. Song, cần phải hiểu rằng đa số học sinh không bao giờ mong muốn hiện tượng đó xảy ra. Trong khi đó, bạo lực học đường xảy ra thật đáng buồn khi nguyên nhân rất “lãng xẹt”: Do “đẹp mà chảnh”, do xích mích nhỏ, bị “nhìn đểu”, “thấy ghét”, hiểu lầm, không cho xem bài kiểm tra… và do học sinh không có đủ kỹ năng sống để giải quyết. Chúng ta đều biết các em ở tuổi vị thành niên có những biến đổi phức tạp về mặt tâm sinh lý. Đồng thời, các em không có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm để xử lý các tình huống phức tạp xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Không những thế, ở tất cả cấp học các em đang phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực về nội dung chương trình (phải “tiêu hóa” một lượng kiến thức quá lớn), áp lực từ phía phụ huynh (phải đạt thành tích cao trong học tập), áp lực từ phía bạn bè, thầy cô… Có một em học sinh lớp 10 tâm sự với chúng tôi: “Khi xảy ra chuyện bất hòa với bạn bè hay bị dọa đánh, cháu thường trực tiếp gặp bạn và dùng hết khả năng của mình để trao đổi, giải thích nhằm xóa bỏ những căng thẳng, giận hờn. Nhưng nhiều khi sự chân thành của cháu vẫn không được bạn lắng nghe và chấp thuận, mâu thuẫn chỉ được “hóa giải” sau một vụ đánh nhau. Cháu rất muốn tâm sự với cô giáo chủ nhiệm hoặc cô giáo bộ môn nào đó để nhờ giúp đỡ nhưng sợ lộ bí mật, bị bạn bè tẩy chay. Trước đây khi học ở bậc tiểu học, cháu từng bị một nhóm bạn đánh vì không cho bạn xem bài kiểm tra. Sau lần ấy, cháu mách cô giáo chủ nhiệm để nhờ cô giải quyết. Do thiếu khéo léo trong xử lý tình huống nói trên, cô giáo chủ nhiệm của cháu đã không tế nhị khi gọi tên những bạn đe dọa cháu vào phòng giám hiệu nhà trường và phạt các bạn ấy phải viết bản kiểm điểm. Sau sự kiện đó, cháu phải chuyển trường vì bị bạn bè xa lánh và không quay lại trường cũ. Sau này nếu có mâu thuẫn gì với bạn bè, cháu cũng tự tìm cách giải quyết chứ không dám nhờ cô giáo nữa. Chúng cháu thường gặp bế tắc trong khi giải quyết những bất đồng giữa các bạn. Điều này làm chúng cháu căng thẳng hơn là những bài học ở trường”.
Các em học sinh rất cần sự trợ giúp của nhà trường để xử lý những bế tắc trong quan hệ bạn bè. Ảnh: N.Anh |
Những căng thẳng này chỉ có thể giải tỏa nếu các em nhận được tư vấn đầy đủ và khoa học từ nhà trường. Học sinh cũng là độ tuổi chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội nên rất cần sự hỗ trợ từ phía các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Đó có thể là giáo viên tư vấn tâm lý ở nhà trường hoặc là chuyên gia tâm lý ở các cơ quan liên quan như phòng giáo dục, đảm nhiệm công việc góp ý, định hướng và gỡ rối cho các em khi gặp chuyện bất hòa, mâu thuẫn.
3. Để năm học mới diễn ra trong môi trường thân thiện, mỗi nhà trường hãy tạo mọi điều kiện để học sinh được giãi bày tâm tư của mình với chuyên gia tâm lý. Các em rất cần một giáo viên chuyên ngành tâm lý lứa tuổi học trò để tâm sự, chia sẻ, bày tỏ những vướng mắc về tình bạn, tình yêu, về kỹ năng giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Có thể những lời khuyên thiết thực đó sẽ giúp học sinh cách xử lý những bế tắc trong quan hệ bạn bè – mối quan hệ mà các em luôn đặt ở vị trí trọng yếu. Một điều lưu ý là để giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống, chúng ta cần tránh lối nghĩ đơn giản rằng nhà trường hay một số tổ chức xã hội khác mở một vài lớp học dạy về kỹ năng sống trong vài tuần cho học sinh thì các em sẽ có được những kỹ năng cần thiết. Kỹ năng sống nói chung và kỹ năng giao tiếp nói riêng phải được hình thành trong quá trình giáo dục lâu dài, chứ không thể tiếp thu và lĩnh hội trong ngày một ngày hai được. Do đó, luôn cần có hoạt động tư vấn trong suốt giai đoạn học tập của các em. Giáo dục hình thành và phát triển ở học sinh những kỹ năng giải quyết hài hòa, thấu đáo các mối quan hệ trong cuộc sống đòi hỏi sự kiên trì, bình tĩnh, nếu một ai có suy nghĩ nóng vội, hấp tấp thì không những không giúp cho học sinh có cách giải quyết các bế tắc mà còn làm các em vất vả hơn khi lựa chọn cách giải quyết thích hợp. Tư vấn không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý mà là mọi vấn đề từ học hành, định hướng nghề nghiệp, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn. Quan trọng hơn hết là những căng thẳng khi gặp mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh sẽ có nhiều cách hóa giải, sẽ giảm được chuyện cãi vã, bạo lực không đáng có xảy ra trong nhà trường.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)