Nghỉ hè, nhóm 7 sinh viên (SV) từ Hà Nội không về quê mà tình nguyện dạy tiếng Anh tại Trung tâm Dạy nghề và Bảo trợ cho trẻ khuyết tật Quỳnh Hoa (xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội).
Không có xe máy, các bạn phải đi xe buýt hoặc xe đạp. Từ điểm dừng xe buýt, các bạn phải cuốc bộ thêm 30 phút mới vào được nơi dạy học.
Khó khăn hơn nữa khi các em nhỏ và thanh niên khuyết tật ham học tiếng Anh nhưng khả năng tiếp thu lại vênh nhau nhiều nên mỗi buổi dạy phải có ít nhất hai người đứng lớp.
Bạn trẻ khuyết tật vừa làm vừa được học tiếng Anh – Ảnh: D.N
Một người dạy những người tiếp thu nhanh, một người trợ giảng, thậm chí phải chép bài cho những em nhỏ tiếp thu chậm.
Trước đây từng dạy học cho trẻ em đường phố ở mái ấm 19/5 nên Phạm Thu Hằng (ĐH Hà Nội) có biết Trung tâm Quỳnh Hoa.
Đến nay Hằng đã dạy học cho các em nhỏ và thanh niên tật nguyền tại đây được hơn 3 tháng. “Tụi em xác định dạy lâu dài, không “đem con bỏ chợ”. Đi dạy thế này vừa ôn lại kiến thức vừa nâng cao nghiệp vụ sư phạm”, Hằng cho hay.
Một buổi dạy học tiếng Anh tại đây thường kéo dài từ 4 – 6 giờ chiều. Trong lớp học lúc nào cũng có từ 12-15 người khuyết tật, trong đó học sinh nhỏ tuổi nhất là Lê Trà My (SN 1999).
“Được học với các anh chị sinh viên, khả năng tiếp thu môn học tiếng Anh của em ngày càng tốt hơn”, em Hoàng Văn Thái đang học lớp 5C, trường Tiểu học Hữu Hòa nói. “Trước khi có lớp học này, em mù ngoại ngữ, nhưng sau hai tháng đã có thể giới thiệu 1 số sản phẩm do chính mình và các bạn làm ra với du khách nước ngoài khi đến thăm trung tâm”, Đào Thị Huyền (SN 1986) chia sẻ.
Lớp học đặc biệt ở chỗ học viên ngồi xen kẽ cùng với những người đang làm sản phẩm thủ công. Vì thế, không chỉ người học mà ngay cả người làm cũng có thể tiếp thu được tiếng Anh.
Bà Đoàn Thị Hoa, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Việc làm tuy giản dị nhưng không chỉ giúp các cháu biết thêm ngoại ngữ mà còn được tham gia hoạt động vui chơi tránh tự ti, mặc cảm!”.
Theo Duy Ngợi / Tiền Phong
Bình luận (0)