Nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh có ý thức cộng đồng trách nhiệm và gắn kết với nhau hơn. Ảnh: T.V |
Có một thời gian dài, ngành giáo dục (GD) náo nức và nghiêm túc thực hiện các nguyên lý, phương châm GD như: Tổ chức đi thâm nhập thực tế, tham quan, lao động… bởi nhà trường nhận thức được tác dụng to lớn từ đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước, một hướng đi khoa học, đúng đắn về GD.
Ngành GD, từ các trường ĐH, CĐ cho đến các trường tiểu học, THCS và THPT, dù khó khăn mấy cũng đều cố gắng vận dụng nguyên lý GD.
1. Ngay thời điểm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc rất khốc liệt, các trường ĐH vẫn tổ chức cho giáo sinh, sinh viên đi tham quan, đi lao động với bà con Làng hoa Ngọc Hà… Chúng tôi được đi tham quan Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Nước, Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội). Tận mắt theo dõi cả quá trình qua nhiều công đoạn để làm nên nước dùng hàng ngày, mới thấy hết giá trị của một quy trình sản xuất. Không phải lấy nước từ sông lên, lọc lại khử trùng rồi dùng. Thực tế là nước được lấy lên từ các mạch ngầm, đỏ ngầu như nước sông Hồng. Nước phải để lắng đọng qua hàng chục chiếc bể khổng lồ, rồi lại được bơm lên một giàn kim loại sàng qua sàng lại liên tục, tạo nên ma sát, hút hết các mảnh vụn li ti như đồng, chì, sắt, kẽm. Khi được đổ xuống bể, nước đã trong veo, sau đó được khử trùng và bơm lên tháp rồi truyền về trăm ngả, trăm nơi. Suốt cả đợt tham quan, không có một bài học chữ nghĩa lý luận nào. Nhưng tất cả chúng tôi đều thấm thía: Phải tiết kiệm nước vì để có những giọt nước đảm bảo chất lượng cho người sử dụng là cả một quá trình lao động không đơn giản chút nào.
Những năm “cải cách ruộng đất” ở miền Bắc, các trường sư phạm cũng như phổ thông đều đi thâm nhập thực tế nông thôn; vào các thôn xóm hẻo lánh, theo bà con ra ruộng đồng cày cấy, nhổ cỏ, bón phân. Có đi mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn và cơ cực của bần cố nông lúc bấy giờ. Họ phải ra đồng từ tờ mờ sáng cho đến nhá nhem tối mới trở về nhà…
Sau chuyến đi thực tế, nhà trường nêu ra 7 từ để các em viết thu hoạch: “Thấy gì, nghe gì và nghĩ gì?”. Bài thu hoạch của các em thật là sâu sắc và cô đọng. “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Có em dài dòng hơn: “Em yêu quý và kính trọng bà con nông dân vì bà con đã làm ra thóc gạo để nuôi sống chúng em và phải biết quý trọng lúa gạo…”.
Tôi đơn cử vài ví dụ thực tế, chỉ muốn chứng minh rằng: Thực hiện nguyên lý, phương châm GD đã đem lại kết quả rất cao về mặt bồi dưỡng kiến thức cũng như GD tư tưởng mà không phải tốn thời gian tuyên truyền bằng lý thuyết…
2. Trong những năm gần đây, các hoạt động này gần như thưa thớt, bị quên lãng. Có thể có nhiều nguyên nhân gây trở ngại. Song dù thế nào cũng phải khắc phục để thực hiện vì đó là đường hướng của GD khoa học đúng đắn, có tác dụng to lớn.
Chúng tôi thiết nghĩ nhà trường nên khôi phục lại các hoạt động đã làm tốt trước đây: Thứ nhất, tổ chức cho sinh viên, học sinh tham gia lao động. Hình thức thiết thực gần gũi và dễ làm là “lao động, xây dựng trường học”. Tổng vệ sinh trường lớp một tháng, hai tháng một lần: Quét lớp, lau chùi bàn ghế, cửa kính, cửa chớp…, quét hành lang, sân trường. Tùy thời điểm và điều kiện mà ấn định thời gian thích hợp. Hàng tuần có tổ trực lớp. Có thể là một lọ hoa, một khăn trải bàn mới, một ly uống nước đẹp kèm một chai nước lọc cho thầy cô, một sọt rác với biển đề “Cho xin ít rác”… Việc làm tỉ mẩn nhỏ nhoi song có tác dụng xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm và gắn kết với nhau hơn. Thứ hai, lao động công ích – diện lao động mở rộng phạm vi ra ngoài. Lao động công ích phải lượng sức, không thái quá, không vụ thành tích. Có thể tổ chức một đợt tổng vệ sinh xung quanh trường; quét dọn, hốt rác, đốt rác, làm giỏ rác, gắn gốc cây có biển “Cho em xin rác”, “Vứt rác vào đây”… Lao động công ích cần phải được chuẩn bị chu đáo: Làm gì, với mục đích gì, công cụ lao động cần có, phân công phân nhiệm cho tổ, nhóm cụ thể, rõ ràng, thời gian hoàn thành… Sau đó, rút kinh nghiệm. Chuẩn bị chu đáo sẽ có kết quả cao, tác dụng GD lớn, nhất là “đối tượng” xung quanh trường. Họ sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn. Trường có cơ sở đòi hỏi yêu cầu họ tuân thủ theo những điều mình mong muốn. Thứ ba, trang bị phong phú và hiện đại hơn cho phòng thí nghiệm, phòng giáo cụ trực quan, thư viện. Đây là 3 phòng chức năng hỗ trợ, giúp đỡ cho hoạt động chính khóa (Trường Marie Curie năm 1975-1976 có hơn 150 kính hiển vi, một thư viện đồ sộ…). Nhà trường nên phát động chiến dịch “chống dạy chay, học chay”. Không lớn thì nhỏ, với 1 vạt đất, 10-15 chậu cây, sẽ tạo nên vườn sinh vật. Ít nhất cũng giúp cho các em được biết thế nào là “Rễ trụ rễ chùm”, “Lá đơn lá kép”, thế nào là: “Đồng hóa diệp lục tố”; tưới cây, bón phân, nhổ cỏ… Thứ tư, tổ chức tham quan, thâm nhập thực tế. Đây là một hoạt động phong phú, đa dạng, phức tạp và tốn kém. Phải chuẩn bị về nhiều mặt: Nội dung tham quan, mục đích của đợt thâm nhập thực tế, kế hoạch cho cả đợt: Đi “tiền trạm” kinh phí xe cộ cho việc đi lại, đồ ăn thức uống, thuốc men thông thường và cán bộ phụ trách từng mặt. Hoạt động này là một biện pháp GD rất có hiệu quả. Song rất phức tạp, đòi hỏi nhà trường phải tập trung chuẩn bị có trách nhiệm cao mới tránh được sơ suất. Để hạn chế các khó khăn, nhà trường nên tổ chức với quy mô nhỏ vừa phải (từng khối lớp hoặc vài ba lớp…). Thứ năm, văn hóa nghệ thuật có tác dụng GD tư tưởng tình cảm rất lớn mà lại rất nhẹ nhàng sâu sắc. Trong thời chiến “tiếng hát át tiếng bom”. Bây giờ “tiếng hát át khó khăn”. Nhà trường mà không có tiếng hát lời ca sẽ không còn là nhà trường nữa. Vì vậy nên phát động phong trào văn nghệ cho nhà trường rộn lên lời ca tiếng hát.
Tôn Tuyết Dung
Bình luận (0)