Quốc Trung (phải) sau buổi thi đầu tiên của đợt thi 2 |
Tôi gặp thí sinh Đặng Quốc Trung ở Hội đồng thi Trường ĐH Y dược Cần Thơ đặt tại Trung tâm Huấn luyện cán bộ y tế Quân khu 9 trong đợt 2 kỳ thi đại học, có thể nói em là gương mặt nổi bật, không phải bởi khuôn mặt thanh tú với đôi mắt sáng mà do em chỉ còn cánh tay phải.
Thoạt đầu tôi nghĩ rằng khuyết tật trên là do em bị tai nạn nhưng khi trò chuyện mới biết nguyên nhân là do Trung bị bệnh ung thư xương (phải tháo khớp xương đến tận vai trái – PV).
Trung sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà ba mẹ đều làm nghề thợ may ở thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Anh Đặng Vĩnh Tài, ba Trung, chia sẻ: “Nhà nghèo nên tui không được học hành nhiều. Lớn lên phải mần việc rất vất vả mới đủ ăn, bị vậy nên tui luôn nhắc nhở và tạo điều kiện cho các con học hành. Tui nói: Các con muốn học đến đâu ba mẹ cũng cố gắng lo. Ráng học để sau này có tương lai, mới có thể giúp đời, giúp người được”. Thương ba mẹ vất vả, Trung rất chăm học. Học xong cấp II em trúng tuyển vào lớp chuyên sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt. Là học sinh giỏi, lại là một “cây” thể thao, có chân trong đội tuyển bóng chuyền và bơi lội của trường, sống thân thiện hòa đồng, Trung được thầy yêu bạn quý. Ai cũng tin rằng: Giấc mơ trở thành một bác sĩ giỏi của Trung không có gì khó thực hiện… Thế nhưng khi lên lớp 11, cánh cửa tương lai tưởng chừng khép lại khi trong một lần chơi bóng chuyền em bị té gẫy tay, được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện em bị ung thư xương. Khi biết tin, gia đình và bản thân Trung rất đau buồn, thậm chí tuyệt vọng. Trung nhớ lại: “Lúc đó trong người em đau nhức lắm. Các bác sĩ đã chích thuốc giảm đau liều cao nhất nhưng không tác dụng. Đau từ trong tủy đau ra, em ngồi hay nằm cũng đau”. May mắn thay, giữa cơn bạo bệnh, Trung được bao bọc bởi tình thương của ba mẹ, sự động viên của nhà trường và thầy cô, bạn bè. Ba mẹ bỏ hết công việc, nhờ người coi sóc em trai của Trung, rồi đưa em lên điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM). Với sự tận tâm của các thầy thuốc, sau khi tháo khớp tay trái, căn bệnh nan y đã cơ bản điều trị thành công. Trung chỉ phải truyền hóa chất thêm một thời gian ngắn. Đến nay cứ hai tháng một lần em theo ba tới bệnh viện để tái khám và lãnh thuốc giúp tăng cường thể trạng.
Để có hơn 100 triệu đồng điều trị bệnh, Trung được sự tiếp sức của họ hàng nội ngoại, của tập thể sư phạm tại mái trường chuyên Huỳnh Mẫn Đạt. Trong thời gian nhập viện điều trị, các bạn trong lớp thay nhau chép bài rồi gửi lên bệnh viện, còn Trung, tranh thủ những lúc cơn đau dịu lại, em lấy bài vở ra học. Khi trở về Kiên Giang, phần nào không hiểu thì em nhờ thầy cô giảng lại. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Trung đã tổ chức cho em thi học kỳ riêng và một số môn học theo qui định của chương trình. Kết thúc năm lớp 11, Trung đủ điểm để đạt học lực tiên tiến. Lên lớp 12, dù sức khỏe giảm sút, phải từ bỏ các môn thể thao yêu thích, Trung vẫn phấn đấu đạt học lực khá giỏi. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011, Trung thi khối A ngành tin học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, được 12,5 điểm. Không nản chí, Trung chăm chỉ luyện thi lại. Sau một năm dùi mài kinh sử, năm nay em thi khối A vào ngành truyền thông máy tính, Đại học Cần Thơ; ở khối B, em chọn ngành dược, Đại học Y dược Cần Thơ. Trung cười tươi: “Căn cứ vào đáp án của Bộ GD-ĐT, khối A em dự đoán được gần 14 điểm. Thi đợt 2 này em làm môn sinh khá tốt, được hơn 60% đề. Môn toán khoảng 6-7 điểm. Môn hóa cũng khả quan. Em rất thích ngành bác sĩ đa khoa nhưng tay em thế này thì chỉ có thể học ngành dược thôi”.
Bị khuyết tật, Trung đã tập luyện để tự sinh hoạt như một người bình thường. Tuy nhiên trong kỳ thi này, anh Vĩnh Tài đã gác lại công việc, lên Cần Thơ chở con đi thi vì sợ kẹt đường, Trung có thể đến điểm thi trễ.
Dù bệnh của Trung điều trị tiến triển tốt nhưng gia đình vẫn canh cánh nỗi lo: Ấy là đến lượt người mẹ hiền thân yêu của em bị bệnh giãn tĩnh mạch phải điều trị nhiều năm. Do vậy kinh tế gia đình thật khó khăn. Vì thế, khi hỏi đến ước mơ, Trung thật thà: “Em chẳng có mơ ước gì. Em chỉ biết cố gắng học thật tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định, trở thành người có ích cho xã hội, phụng dưỡng cha mẹ và thay cha mẹ nuôi em trai học hành thành người”.
Cùng với tình thương yêu của gia đình, kết hợp ý chí vượt khó, tương lai tươi sáng đang chờ Trung phía trước.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)