Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Làm gì để giúp trẻ học ngoại ngữ hiệu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

PH nên biết khả năng học ngoại ngữ của con mình thế nào để chọn lựa chương trình phù hợp nhất. Ảnh: N.T

Bước đầu cho trẻ tiếp cận tiếng Anh (TA), nhiều phụ huynh (PH) không tránh khỏi băn khoăn lo lắng: Nên chọn chương trình nào là phù hợp nhất? Giúp trẻ học như thế nào để đạt hiệu quả cao?… 
Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh – Chuyên viên tiếng Anh, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) –  xung quanh những vấn đề vừa nêu.
PV: Thưa bà, hiện nay trong nhà trường tiểu học có nhiều chương trình TA nên PH băn khoăn không biết lựa chọn chương trình nào cho phù hợp với con em mình. Mong bà cho biết cụ thể những chương trình TA này như thế nào?
– ThS. Nguyễn Hồ Thụy Anh: Thực ra trong trường tiểu học hiện nay chỉ có 3 chương trình TA là: TA tự chọn, TA tăng cường và TA theo Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT. Ba chương trình này giảng dạy linh động, phù hợp với năng lực của từng đối tượng học sinh (HS) từ trung bình đến khá, giỏi. Bên cạnh đó còn có các phần mềm hỗ trợ, nâng cao chất lượng dạy và học là Phonics, DynEd; E-Study. PH nên hiểu đây là phần mềm hỗ trợ chứ không phải là chương trình TA.
Cụ thể nội dung dạy và học của từng chương trình ra sao, thưa bà?
– Chương trình TA tự chọn và TA theo Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT cung cấp kiến thức cơ bản cho đối tượng HS có năng lực học TA bình thường. Thời lượng giảng dạy 4 tiết/tuần trở lên, tùy vào điều kiện, cơ sở vật chất của từng trường mà số tiết có thể tăng. Các em được học theo một trong các sách Family and Friends; Gogo Loves English hoặc TA 3, 4 của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đấy còn kèm theo chương trình đọc truyện ngắn, nhằm hình thành văn hóa và thói quen đọc sách cho trẻ, tạo hứng thú trong quá trình học vì truyện đọc tạo ngữ cảnh rất hiệu quả cho trẻ học tốt TA. Thông qua đó tăng cường vốn từ vựng, củng cố cấu trúc TA cho các em.
PH không nên yêu cầu trẻ học thuộc từ
Muốn dạy thêm TA cho trẻ, PH nên kết hợp với giáo viên để hiểu rõ trọng tâm từ, mẫu câu của mỗi đơn vị bài học theo phân phối chương trình của Sở GD-ĐT, tránh việc lật từng trang sách và yêu cầu trẻ phải học thuộc, phát âm và dịch từng từ. Nếu PH có kỹ năng giao tiếp TA tốt, phát âm chính xác, nên kiểm tra TA cho trẻ thông qua tình huống thực tế. Ví dụ: PH chỉ tay vào cây bút và hỏi trẻ: What’s this? What colour is it?… Tránh việc bắt trẻ dịch cho ba mẹ nghe: What is this là gì?”. Ngược lại, PH chưa tự tin lắm với khả năng TA của mình, hãy giúp trẻ ôn lại bài bằng những câu hỏi: Hôm nay con học tiếng Anh thế nào? Có gì hay kể cho mẹ nghe với?… Vào thời điểm cuối năm lớp 1, kỹ năng viết TA của trẻ dừng lại ở mức độ nhìn hình, tìm chữ tương ứng. PH tránh bắt trẻ học thuộc lòng từ bằng cách yêu cầu trẻ viết một từ nhiều lần theo hình thức chép phạt. Điều này hoàn toàn làm thui chột hứng thú học TA ở trẻ. 
Ngược lại, đối với chương trình TA tăng cường, với thời lượng 8 tiết/tuần có nội dung nâng cao, chuyên sâu hơn nhằm phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ TA tăng cường lớp 3, ngoài giáo trình Family and Friends, trẻ được học TA qua toán, khoa học; đọc truyện TA gồm truyện ngắn và truyện dài; học văn hóa Việt Nam thông qua sách TA Tôi tự hào về văn hóa Việt Nam… TA tăng cường cung cấp cho HS không chỉ vốn từ, mẫu câu phong phú mà còn trang bị kỹ năng sống. Cụ thể, HS được tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam bằng TA, qua đó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc mà phấn đấu học tốt hơn. Hay tiết đọc truyện dài, HS phát huy được tinh thần tự học, kỹ năng xây dựng bài. Ví dụ hoạt động reading circle (đọc theo vòng), giáo viên chia HS thành nhóm, mỗi HS trong mỗi nhóm được yêu cầu đảm nhận một vai trò: Tóm tắt truyện, thủ lĩnh nhóm thảo luận, người chuyên tìm từ thú vị, người so sánh các chi tiết về văn hóa, người liên hệ thực tế… Mỗi vai trò được giao một nhiệm vụ cụ thể.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, hỗ trợ việc dạy – học cho GV và HS, 3 phần mềm Phonics, DynEd, E-Study đóng góp không nhỏ. Phonics mạnh về dạy ngữ âm, hỗ trợ kỹ năng phát âm, ghép vần… thông qua các trò chơi, bài hát, các hoạt động hình thể, phù hợp với đối tượng HS bắt đầu học TA. DynEd nhằm kiểm soát quá trình học của trẻ như: Phát âm sai hay đúng, theo đó chỉnh lỗi nếu sai và cộng điểm nếu đúng; so sánh đối chiếu âm đọc người học với âm đọc người bản ngữ để kiểm tra lỗi đúng, sai; kiểm soát thời gian tham gia học bao lâu… phù hợp đối với trẻ có kỹ năng tự học. Trong khi đó, E-Study bắt đầu bài học bằng một bài đọc liên quan các từ. Ví dụ học từ Trees (cây) thì các em được học những từ liên quan như Leaves (lá), Twigs (cành), Stems (thân), Roots (rễ), Flowers (hoa), Fruits (quả)… E-Study phù hợp với trẻ đã có vốn TA căn bản nhiều, cụ thể với trẻ học TA tăng cường 3, 4, 5.
Nhiều PH nghĩ rằng, cho trẻ học TA tăng cường là tốt nhất. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Chính PH phải hiểu năng lực học ngoại ngữ con mình đang ở mức độ nào mới giúp trẻ chọn, học một chương trình phù hợp nhất. Nếu một trẻ có khả năng bắt chước nhanh, lặp lại chính xác, ghi nhớ từ vựng tốt hay thể hiện sự năng động hoạt bát trong việc sử dụng ngôn ngữ, hát theo bài hát TA, tiếp cận một cách hồ hởi, thích thú… điều đó thể hiện phần nào mức độ sẵn sàng của trẻ khi tiếp cận với việc học ngôn ngữ, có thể phù hợp với chương trình TA tăng cường. Nếu con bạn chưa có những biểu hiện trên, PH có thể cho con học TA tự chọn, TA theo Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT.
Thực tế có không ít PH nóng lòng, muốn con mình bước vào môi trường ngoại ngữ đòi hỏi kỹ năng cao ngay từ lớp 1, điều này không nên. PH nên hiểu việc sẵn sàng học TA của một số trẻ bắt đầu rất sớm, nhưng lại khá muộn ở một số trẻ khác. Trong quá trình học TA tự chọn, TA theo Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT, nếu HS học tốt, đạt yêu cầu ở kỳ thi Staters cuối lớp 2, Movers cuối lớp 4 hay Flyers cuối lớp 5 thì có thể chuyển sang học TA tăng cường ở lớp kế tiếp nếu nhà trường có khả năng đáp ứng được nhu cầu.
Xin cảm ơn bà!
Ngọc Trinh (thực hiện)
 
Tuyển 100 giáo viên tiếng Anh người nước ngoài
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa thông báo kế hoạch tuyển dụng 100 giáo viên tiếng Anh người nước ngoài (người Philippines) trong năm học 2012-2013 tham gia giảng dạy tại 50 trường TH và 50 trường THCS. Điều kiện xét tuyển: Tuổi đời từ 18 trở lên; có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sư phạm Anh, hệ chính quy; có các chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ hoặc một ngôn ngữ thứ hai: TESOL, TEFL, CELTA, TKT… Ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm và khả năng tổ chức hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường ngôn ngữ, giảng dạy tiếng Anh cho người châu Á.
Dự kiến trong tháng 8, Sở GD-ĐT sẽ xét duyệt hồ sơ ứng viên dự tuyển, kiểm tra trình độ chuyên môn, tiến hành dạy thử và làm thủ tục xin phép Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, sau đó mới ký kết hợp đồng. Đầu tháng 9, các giáo viên được tuyển dụng sẽ chính thức giảng dạy tại các trường do Sở GD-ĐT phân công.
N.T
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)