Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giải mã “bộ luật tình bạn”

Tạp Chí Giáo Dục

Những vụ học sinh THCS cùng nhau tự tử thời gian qua đã có nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, tâm lý… luận giải nguyên nhân và tìm ra những biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, theo tôi, còn một khía cạnh mà có lẽ chưa được đề cập, đó là cần giải mã “bộ luật tình bạn”, trên cơ sở đó giúp phụ huynh quan tâm, biết cách chia sẻ để các em vững vàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng ở tuổi dậy thì.
Khao khát được giao tiếp và hoạt động cùng nhau, nguyện vọng được sống tập thể cùng bạn bè thân thiết là một trong những đặc điểm quan trọng của lứa tuổi học sinh THCS. Các em cho rằng mình có quyền độc lập trong quan hệ này và bảo vệ quyền đó đến cùng. Nếu như có sự can thiệp nào đó của người lớn, khiến các em cảm thấy bị xúc phạm thì các em sẽ tìm cách chống đối lại, có khi là công khai, có khi ngấm ngầm. Đối với tuổi “khó bảo” này, điều quan trọng nhất trong kết bạn là “tình bạn” theo một chuẩn mực riêng, các nhà tâm lý học thường gọi là “bộ luật tình bạn”. Tuy nhiên, bộ luật này thường “bất khả xâm phạm”, và nếu không có sự xâm nhập, tương tác, không có sự can thiệp kịp thời thì có thể phát triển theo những chiều hướng phức tạp.
“Bộ luật tình bạn” thực hiện theo những quy tắc nhất định. Thứ nhất là quy tắc bí mật: Đó là những điều thầm kín nhất, các em sẽ hiếm khi thổ lộ với những người thân yêu của mình mà chỉ thổ lộ với “thành viên” của nhóm. Các em tự đặt ra những yêu cầu rất cao đối với bạn bè, thường cho rằng “bạn của tớ” phải hiểu, tế nhị, vị tha, đồng cảm và giữ bí mật cho nhau. Khi quy tắc bí mật bị phá vỡ thì có thể dẫn đến hậu quả kinh khủng. Thứ hai là quy tắc lý tưởng hóa: “Sống chết có nhau”, “chia ngọt sẻ bùi”, đó là sự thâm nhập mọi mặt vào đời sống của bạn, hợp tác hành động, “tất cả như một”…
Phụ huynh không nên can thiệp sâu vào những bí mật riêng tư của con mà luôn tôn trọng khoảng trời riêng của “bộ luật tình bạn” ở trẻ. Tuy nhiên, cần hướng dẫn và kiểm tra các mối quan hệ đó, nếu phụ huynh đóng vai như những người bạn để xâm nhập và giải thoát xu hướng tiêu cực, kích thích sự phát triển tích cực thì điều đó vô cùng cần thiết.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, tuổi thiếu niên cần tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ tính hòa nhập cộng đồng, tăng khả năng thích ứng trong giao tiếp, hạn chế những nhóm học sinh tiêu cực trong lớp học, trong cộng đồng sẽ giảm được nhiều nguy cơ dẫn đến các hành vi thiếu suy nghĩ, nhất là hành vi tự tử tập thể.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)