Lứa tuổi học sinh THCS thường hiếu động dễ dẫn đến các lỗi không đáng có. Ảnh: N.Anh
|
Có không ít bậc phụ huynh quan niệm phải thật nghiêm khắc trong giáo dục thay vì khen ngợi để động viên con. Họ cho rằng thường xuyên sử dụng biện pháp trách phạt sẽ răn đe được con, hình thành cho chúng bản lĩnh mạnh mẽ, khả năng thích ứng trong xã hội phức tạp sau này.
Trách phạt con vô cớ, hậu quả khôn lường!
Trong thực tế, có phụ huynh đã quá lạm dụng phương pháp trách phạt mà không lường trước những hậu quả có thể xảy ra đối với con mình. Ở trường, xử phạt đã được thể hiện trong những nội quy, như: Nói chuyện riêng trong giờ học, không học bài, đi học muộn, điểm yếu kém, không mặc đồng phục, làm hỏng trang thiết bị của nhà trường… Ở gia đình, biện pháp trách phạt còn được vận dụng “tùy tiện” hơn. Với quan niệm “Cha mẹ nói oan, quan nói ép”, nên cứ thấy trẻ vi phạm là phạt. Nhẹ thì mắng chửi. Nặng thì đòn roi. Không ít phụ huynh coi hình phạt là “phương thuốc chữa bách bệnh” đối với sai sót của con cái. Xử phạt thường là việc làm đầu tiên mà cha mẹ vận dụng mỗi khi các con có sai lầm, khuyết điểm. Vì thế, trong gia đình cha mẹ thường xuyên sử dụng biện pháp trách phạt, trẻ thường bị bủa vây bởi những hình phạt. Nhiều em đã đánh mất cả sự ngây thơ hồn nhiên vì sự trách phạt vô cớ của cha mẹ mình. Có không ít em tìm cách xa lánh không dám trò chuyện gần gũi với cha mẹ.
Em Hải An (Trảng Bom, Đồng Nai) năm nay 12 tuổi, vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng gần đây thường bỏ học đi theo bạn bè, tụ tập chơi bời. Phát hiện sự việc, anh Toan – ba Hải An – giận dữ, vừa mắng nhiếc thậm tệ, vừa đánh đập con trước sự chứng kiến của nhiều người. Chưa thỏa cơn tức tối và để con sợ không dám tái phạm, anh Toan còn phạt con nhịn ăn một bữa tối. Hậu quả là Hải An vì buồn tủi và lo sợ nên nảy sinh tâm lý phản kháng bằng cách bỏ nhà lang thang một mình ở đầu đường xó chợ. Dù biết ba mẹ đang tìm kiếm mình, nhưng em không muốn quay về với gia đình có người cha cộc cằn, hung dữ. Cách xử phạt của anh Toan đã phản giáo dục, không những không khắc phục được lỗi lầm của con, mà còn làm mối quan hệ trong gia đình càng căng thẳng, ngột ngạt.
Hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân!
Điều sai lầm lớn nhất trong giáo dục con là phụ huynh thường cho rằng mọi sai phạm, lỗi lầm đều do trẻ. Họ đã không chú ý đến nguyên nhân, hoàn cảnh tạo nên sai lầm. Chẳng hạn như trẻ không hoàn thành nhiệm vụ cha mẹ giao như không học bài cũ, không phụ giúp việc nhà… ngoài việc các em lười biếng, ham chơi còn có nhiều lí do khác như không có ai chia sẻ, kèm cặp, bày vẽ… Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ phải phân định rạch ròi giữa lỗi lầm và bản thân người phạm lỗi. Như vậy, trẻ mới hiểu được mình đã làm một việc không đúng, chứ bản thân chúng không phải là người xấu. Nếu như chúng ta không xem xét chu đáo mà áp dụng ngay biện pháp trách phạt là thiếu đi sự cảm thông chia sẻ cần thiết với con trẻ, và trách phạt trong trường hợp này chắc chắn không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp do bận bịu với công việc và các mối quan hệ khác của mình nên không ít cha mẹ đã thiếu quan tâm, không có cơ hội để tìm hiểu đặc điểm tâm lý, tính cách của con mình khi nuôi dạy cũng như sử dụng phương pháp trách phạt. Có những em thường xuyên bị cha mẹ dùng hình phạt nặng nề như mắng chửi, đánh đập, đuổi khỏi nhà nhưng vẫn không làm các em thay đổi, không giúp các em tiến bộ. Quan niệm truyền thống “thương cho roi cho vọt” đã bị vận dụng một cách máy móc, không hiệu quả. Hậu quả là, những trẻ thường xuyên bị xử phạt trở nên “nhờn thuốc”, với thái độ “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, chúng luôn “giả vờ” vui vẻ chấp nhận mọi hình phạt của cha mẹ, nhưng không bao giờ sửa chữa những sai phạm, lỗi lầm của mình.
Khéo léo – cách giáo dục hiệu quả
Là một học sinh thông minh, nên trong những giờ chơi Hoàng Thông (13 tuổi, Long Thành, Đồng Nai) rất tinh nghịch. Một lần do sơ suất làm bạn gái cùng lớp bị gãy tay, Hoàng Thông vô cùng ân hận. Dù rất giận về hành vi bất cẩn của con trai, nhưng giữ được bình tĩnh, anh Tuấn Hào – bố Hoàng Thông – đã kịp thời xin lỗi gia đình và lo lắng chăm sóc bạn học của con đến khi lành lặn. Trong quá trình đó, anh Tuấn Hào khéo léo chỉ ra lỗi của con, yêu cầu con phải chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra. Khâm phục, cảm kích trước sự cư xử tinh tế, nhẹ nhàng của bố, Hoàng Thông đã quyết tâm thay đổi tính nghịch ngợm của mình để cha mẹ không còn phiền lòng.
Trách phạt là một trong những phương pháp giáo dục trẻ con. Có điều, mỗi lần dùng đến phương pháp này đồng nghĩa với việc phụ huynh phải biết tự đặt mình vào tình thế khó khăn của trẻ, cần phải cân nhắc thật kỹ về các vấn đề: Nguyên nhân, hoàn cảnh, diễn biến của sai phạm, đặc điểm tâm lý, tính cách của đối tượng… Các nhà tâm lý cho rằng: Phần lớn những đứa trẻ bị bạo lực khi còn nhỏ lớn lên thường có xu hướng bạo lực. Vì thế, để thay đổi một thói quen, một cách làm, một kiểu tư duy trong giáo dục con trẻ các bậc cha mẹ cần phải linh hoạt sử dụng các biện pháp. Và dù dùng biện pháp nào đi nữa thì cũng phải xuất phát từ lòng yêu thương và sự kỳ vọng đúng mực về sự hoàn thiện nhân cách của con mình. Trách phạt là phương pháp biểu lộ sự không đồng tình, lên án của cha mẹ đối với những hành vi sai trái của con trẻ, với mong muốn các con nhận ra lỗi lầm và tìm cách sửa chữa. Tuy thế, trách phạt con như thế nào là một nghệ thuật. Trước khi trách mắng con, cha mẹ nhất định phải phân biệt rõ ràng đâu là những lỗi lầm mà con cái có thể hay không thể phạm phải. Nếu áp dụng thường xuyên sẽ tạo nên sự chai sạn, trơ lỳ tâm lí. Lạm dụng trách phạt hoặc trách phạt quá nặng, thiếu khách quan, không công bằng còn có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ phải phân định rạch ròi giữa lỗi lầm và bản thân người phạm lỗi. Như vậy, trẻ mới hiểu được mình đã làm một việc không đúng, chứ bản thân chúng không phải là người xấu. |
Bình luận (0)