Sau khi trao 12 giải nhất cho các dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức, đã có nhiều ý kiến lùm xùm xung quanh 2 dự án đạt giải cao có sự trùng lặp. Một số ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ cuộc thi vì gây áp lực cho học sinh.
Dự án vừa giành giải Nhất được cho là na ná dự án đạt giải Nhì năm 2019. |
Sau khi được trao giải Nhất năm 2021, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) được phát hiện na ná dự án đạt giải Nhì “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của học sinh Ninh Bình dự thi ở năm trước. Điều đáng nói, cả 2 dự án này đều đến từ 1 trường là Trường THPT Hoa Lư A và do 1 giáo viên hướng dẫn.
Trước sự việc này, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã lý giải, hai dự án đều có tên liên quan đến “giường bệnh thông minh” nhưng bản chất khác nhau.
Cụ thể, dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” năm 2019 là hệ thống dành cho người chăm sóc bệnh nhân có thể điều khiển vận hành thuận lợi từ xa thông qua mạng internet.
Còn dự án năm nay “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” là hệ thống tích hợp được các chức năng để giúp bệnh nhân tự hồi phục như tập tay, tập chân, tập trí nhớ và giải trí do chính bệnh nhân tự điều khiển thông qua giọng nói.
Có nên bỏ cuộc thi?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có các tiêu chí cũng như mục tiêu rất rõ ràng. Theo đó, học sinh hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng, thành tựu khoa học kỹ thuật đã có để có các ý tưởng mới và đưa ra cách giải quyết vấn đề mà trước đó chưa ai làm.
Như vậy, không có nghĩa học sinh phải chọn những vấn đề hoàn toàn mới mà có thể chọn những vấn đề từng có và đang có các nghiên cứu thành công nhưng đưa ra được những phát hiện, vấn đề, cách giải quyết mới của mình để hoàn thiện, tối ưu hơn.
Ví dụ như các dự án chế tạo cánh tay robot cho người tàn tật, tôi cho rằng nhiều năm tới đây, việc chế tạo cánh tay robot sẽ vẫn là vấn đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Vì không ai khẳng định đã có “cánh tay robot” hoàn hảo đến mức không cần nghiên cứu, chế tạo gì mới hơn.
Sở dĩ nhiều người thấy các đề tài dự thi có vẻ "giống nhau" là do cách đặt tên đề tài đều đề cập đến cùng một vấn đề, đôi khi chỉ khác nhau vài chữ. Nhưng những người hiểu biết về lĩnh vực đều thấy, vài chữ khác nhau đó trong tên đề tài chính là điểm mới, điểm khác biệt mà các dự án hướng đến.
Khi chấm giải, Ban giám khảo không chỉ chấm dựa trên sản phẩm được trưng bày mà còn đánh giá trên hồ sơ để biết quy trình thực hiện. Đặc biệt là chấm dựa trên phỏng vấn trực tiếp học sinh. Nếu sản phẩm không do học sinh thực sự làm thì sẽ lộ ngay ở quá trình phỏng vấn, phản biện.
Sản phẩm của việc nghiên cứu khoa học là dự án, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm con người, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Tham gia nghiên cứu khoa học, các học sinh được thực hành, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề cụ thể, qua đó còn phát triển tư duy khoa học, năng lực khai thác tài liệu, kỹ năng thuyết trình, phản biện và làm việc nhóm.
Sự hiểu biết các em có được từ việc này không chỉ hạn hẹp ở lĩnh vực đề tài các em thực hiện mà có thể mở rộng hơn. Ví dụ qua nghiên cứu, thực hiện các em có hiểu biết về tác hại của ô nhiễm môi trường và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường trong lành, hay những giá trị nhân văn khi các em thực hiện một dự án hỗ trợ người tàn tật, người yếu thế trong xã hội… Đó là cái đích lớn mà kỳ thi hướng tới.
“Cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp trong gần một thập kỷ qua đã thu hút hàng nghìn học sinh tham gia, trong đó có cả các em ở các vùng khó khăn. Điều đó khích lệ, tạo động lực để cả giáo viên và học sinh cùng thay đổi trong đổi mới dạy học. Những điểm chưa phù hợp nếu có của cuộc thi sẽ được Bộ GD&ĐT nghiêm túc xem xét, xử lý cụ thể nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa của nó”, ông Thành nói.
Theo Hà Linh/TPO
Bình luận (0)