Đến thời điểm này, bức tranh điểm thi ĐH năm 2012 giữa các nhóm trường đã có nhiều biến động. Nếu như các trường tốp đầu dù thí sinh dự thi giảm nhưng điểm chuẩn được dự báo tăng vọt so với năm 2011 thì những trường tốp dưới (gồm các trường địa phương, những trường ngoài công lập) khóc ròng vì điểm thi quá thấp và đứng trước nguy cơ thiếu người học trầm trọng.
Điểm thi thấp tệ
Trái với cảnh tươi tắn của những trường tốp đầu, những trường ĐH địa phương và ĐH ngoài công lập năm nay nơm nớp lo tuyển sinh không được vì điểm thi quá thấp. Ngay cả những trường cố gắng tổ chức thi cho “bằng chị bằng anh” nhưng số thí sinh trúng tuyển chưa tới 1/10 so với tổng chỉ tiêu cần tuyển.
Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trao đổi sau giờ thi môn sinh vật. Ảnh: Mai Hải
Đáng báo động nhất là Trường ĐH Đồng Tháp. Năm 2011 dù có gần 764/6.000 thí sinh dự thi đạt từ 13 điểm trở lên nhưng kết thúc cả 3 NV, trường tuyên bố hàng loạt ngành phải đóng cửa vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm nay số thí sinh dự thi lại tụt xuống còn 3.895 thí sinh nhưng chỉ có 665 thí sinh đạt tổng điểm từ 13 trở lên, ở mức điểm 14 chỉ có 463 thí sinh đạt được. Thế nhưng chỉ tiêu cần tuyển của trường năm 2012 lại đến 2.800. Cùng chung cảnh khó trên, Trường ĐH Xây dựng miền Trung (Phú Yên) có 1.823 thí sinh dự thi nhưng chỉ có vỏn vẹn 24 thí sinh đạt trên 13 điểm. Trong khi đó, chỉ tiêu hệ ĐH của trường năm nay là 600, như vậy trường sẽ dành trên 90% xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.
Dù số thí sinh dự thi tăng so với năm 2011 nhưng Trường ĐH Quảng Nam chỉ có 356/5.144 thí sinh (TS) dự thi đạt từ 13 điểm trở lên. Đáng nói hơn, Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) chỉ có 12/1.353 thí sinh dự thi vào trường đạt từ 13 điểm trở lên. Trong khi đó, chỉ tiêu năm nay lên đến 1.700. Tương tự, Trường ĐH Hải Phòng nếu lấy điểm chuẩn bằng mức điểm sàn năm 2011 thì chưa tới 10% thí sinh dự thi trúng tuyển so với chỉ tiêu 1.200. Không chỉ vậy, ngay tại TPHCM Trường ĐH Thủy lợi – Cơ sở TPHCM dù có đến 580 chỉ tiêu nhưng chỉ có 69 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên.
Trước thực tế ảm đạm trên, hội đồng tuyển sinh của các trường trên cùng chung một nỗi lo: Cho dù điểm chuẩn NV1 lấy chạm đáy bằng điểm sàn nhưng cũng chưa tới 10% thí sinh trúng tuyển. Do đó, chỉ tiêu còn lại phải thấp thỏm trông đợi ở các nguyện vọng tiếp theo. Tuy nhiên, cuộc đua sau NV1 năm nay với nhiều thay đổi và kéo dài đến tận ngày 30-11 nhưng chắc chắn những trường tốp dưới khó vẫn hoàn khó.
Thiếu người học trầm trọng
Trường ĐH Trà Vinh năm nay chỉ tiêu đến 3.300 cho 23 ngành hệ ĐH nhưng kết quả thi chỉ có 334 thí sinh đạt mức điểm sàn năm 2011 (13 điểm). Nếu tính luôn điểm ưu tiên khu vực thì trường có thêm gần 300 thí sinh đạt bằng điểm sàn năm ngoái. Như vậy, nếu lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, năm nay trường có hơn 630 thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu cần tuyển 3.300. Tuy nhiên, điểm thi ở từng ngành lại thật sự đáng báo động.
Cụ thể, ngành sư phạm Ngữ văn tuyển cả khối C, D1 chỉ có 14 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên, ngành Nuôi trồng thủy sản dù tuyển 2 khối A, B, ngành Công nghệ thông tin (khối A) và ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cũng không có thí sinh nào đạt được 13 điểm. Ngành Nông nghiệp chỉ có 1 thí sinh đạt 13 điểm. Ngay cả ngành được xem hót nhất hiện nay là Quản trị kinh doanh cũng chỉ có 22 thí sinh đạt được 13 điểm.
Tương tự, nhiều ngành của Trường ĐH Đồng Tháp cũng trong cảnh hẩm hiu không kém. Ngành Quản lý giáo dục thi 3 khối A, A1, C nhưng vỏn vẹn đúng 3 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên, ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp chỉ có 6 thí sinh dự thi nhưng không có thí sinh nào đạt 13 điểm, ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp chỉ có 1 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Cũng giống như trường bạn, ở Trường ĐH Đồng Nai các ngành sư phạm cũng cùng cảnh ngộ: ngành Sư phạm Lịch sử chỉ có 6 thí sinh đạt 14 điểm trở lên, ngành Sư phạm Sinh học chỉ có 4 thí sinh đạt 14 điểm trở lên.
Nếu như lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, Trường ĐH Tây nguyên (Đắc Lắc) có nhiều ngành cũng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì ế ẩm. Ngành Khoa học cây trồng chỉ có 8 thí sinh đạt 14 điểm trở lên, ngành Bảo vệ thực vật chỉ có 2 thí sinh đạt 14 điểm trở lên, ngành Lâm sinh cũng chỉ có 5 thí sinh đạt 14 điểm. Ở ngành Công nghệ thông tin chỉ có 13 thí sinh đạt 13 điểm trở lên, ngành Công nghệ sau thu hoạch chỉ có 8 thí sinh đạt bằng mức từ 13 điểm trở lên.
Trường ĐH Tân Tạo với tham vọng đào tạo theo chất lượng cao, đào tạo tinh hoa nhưng chỉ có 62/73 thí sinh dự thi đạt từ 13 điểm trở lên so với chỉ tiêu 500. Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm đầu tiên tổ chức thi ĐH với 1.500 chỉ tiêu nhưng cũng phải dành trên 80% xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Đại diện một trường đại học tại khu vực ĐBSCL băn khoăn: “Cùng với việc kết quả điểm thi thấp tệ, năm nay Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT bỏ việc áp dụng Điều 33 để xin giãn điểm ưu tiên, bỏ luôn việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo nhu cầu địa phương nên những trường đại học tốp dưới chắc chắn sẽ đối diện nguy cơ thiếu người học trầm trọng”.
Theo Bộ GD-ĐT, điểm sàn năm 2012 về nguyên tắc xác định sẽ căn cứ nhiều yếu tố gồm cơ cấu ngành nghề, nhu cầu về nguồn nhân lực cho tương lai, quy hoạch nguồn nhân lực đã được chính phủ phê duyệt từ nay đến năm 2020 và cuối cùng là dựa trên sự dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền trên cả nước. Bộ GD-ĐT cho rằng việc bỏ “áp dụng giãn điểm ưu tiên ở Điều 33 và bỏ vận dụng đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo nhu cầu của địa phương” nhằm đảm bảo sự công bằng đối với các trường, đồng thời loại bỏ được tiêu cực khi các trường vận dụng những điều này.
Thanh Hùng (SGGP)
Bình luận (0)