Ngày nay, sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã kéo theo sự gia tăng các đối tượng ma túy, mại dâm, thất nghiệp, trẻ em lang thang, nghèo đói… Tất cả những đối tượng này đều rất cần sự trợ giúp của những người làm công tác lao động xã hội. Tuy nhiên, nhân lực của ngành này lại đang thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn.
Khó thu hút nhân lực
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), nước ta hiện có khoảng 5.000 cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội cho người nghiện ma túy, gái mại dâm; khoảng 2.000 người làm trong các cơ quan lao động thương binh – xã hội; khoảng 3.000 cán bộ chuyên trách và hàng chục ngàn cộng tác viên, tình nguyện viên cấp xã.
Những người nghiện ma túy, mại dâm rất cần tới sự giúp đỡ của người làm công tác xã hội (ảnh chụp tại Trung tâm cai nghiện ma túy Bố Lá, tỉnh Bình Dương).
Tuy nhiên, phần lớn số này chưa được đào tạo cơ bản về công tác xã hội mặc dù một nửa số này có trình độ cao đẳng, đại học.
Theo Bộ LĐ, TB&XH đến năm 2020, nước ta cần trên 20.000 cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội có trình độ cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, theo anh Hưng, đại diện Sở LĐ,TB&XH tỉnh Tiền Giang: “Muốn tuyển dụng được người trẻ có trình độ cao, đúng chuyên môn không phải dễ. Thời gian qua, khi sở tuyển cán bộ thì chỉ có 2 người tới dự tuyển. Người lao động có tâm lý ngại, ngành lao động vì e ngại vất vả và nguy hiểm. Mặt khác, chúng tôi cũng động viên con em trong ngành tiếp tục sự nghiệp của ngành nhưng cũng khó thực hiện được”.
Hiện nay, cán bộ làm công tác xã hội ở các cấp đa số là kiêm nhiệm. Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), cả nước có 995 cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố, tuy nhiên có tới 770 người kiêm nhiệm (chiếm 77%). Còn ở cấp xã, phường, thị trấn có 9.673 cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm (chiếm 100%).
Bên cạnh đó, mức phụ cấp của người làm công tác xã hội rất thấp cho nên cũng không thu hút được nhân lực (theo quy định cán bộ ở cấp xã, phường được hưởng phụ cấp 120.000 đồng/người/tháng). Thậm chí, nhiều địa phương còn phải chia nhỏ mức phụ cấp hoặc có nơi không có phụ cấp. Đó là những nguyên nhân khiến ngành này khó thu hút được nguồn nhân lực.
Chị Nguyễn Bảo Yến, đại diện Sở LĐ,TB&XH An Giang cho biết: Nếu không có phụ cấp thì rất khó thu hút nhân lực. Thời gian qua, để thu hút cán bộ làm công tác xã hội ở cấp xã, phường, An Giang đã tăng mức phụ cấp lên 50% lương tối thiểu nhưng cũng không ai muốn làm.
Đối với chức danh bác sỹ tại trung tâm, An Giang dùng chính sách hỗ trợ kinh phí tới 20 triệu đồng, tuy nhiên cũng không thu hút được nhân lực. Ngoài ra, đội ngũ y sỹ tại các trung tâm đa số thiếu về chuyên môn. Chính những khó khăn trên đã khiến cho hiệu quả phòng chống các tệ nạn xã hội tại địa phương bị hạn chế.
Tăng phụ cấp và chế độ đãi ngộ
Anh Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Đà Nẵng cho biết: Nhờ chính sách tăng phụ cấp cho cán bộ mà Đà Nẵng đã giải quyết được việc thiếu nhân lực của ngành LĐ,TB&XH. Cụ thể, cùng với những khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì Đà Nẵng còn hỗ trợ thêm.
Cụ thể để thu hút cán bộ là bác sỹ, Đà Nẵng dùng chính sách luân phiên bác sỹ, mỗi cán bộ công tác một nơi một năm, và ngoài lương, Đà Nẵng còn có chế độ phụ cấp thêm, tương đương 250% lương, cộng với một số chính sách ưu đãi đặc thù khác. Cán bộ quản giáo, cán bộ bảo vệ được hỗ trợ thêm tương đương 100% lương tối thiểu, đặc biệt cán bộ quản giáo trực tiếp quản lí đối tượng được hưởng thêm trợ cấp gấp 2 lần lương tối thiểu…
Thực tế, nhiều địa phương đã áp dụng chính sách khuyến khích, động viên và thu hút nhân lực bằng cách nâng cao mức phụ cấp. Đơn cử như mức phụ cấp trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội là 1 triệu đồng/người/tháng (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương…), 1,5 – 2,5 triệu đồng/người/tháng (Tây Ninh, Long An…), bằng 1,2 -1,5 lần mức lương tối thiểu (Nghệ An, Đà Nẵng).
Để thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã dành 2.347,4 tỉ đồng để thực hiện đề án phát triển nghề công tác xã hội. Theo đề án, sẽ đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 60.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội với các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Trong đó, phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Thời gian qua, kinh tế khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành LĐ,TB&XH. Cụ thể, tình hình ma túy, mại dâm có chiều hướng tăng và diễn biến hết sức phức tạp.
Trong khi đó nhiều tỉnh vẫn thiếu kinh phí và thiếu cán bộ trong công tác phòng chống các tệ nạn này. Ngoài ra, cán bộ trong ngành còn chưa được đào tạo bài bản cả ở khâu hoạch định chính sách cũng như khâu tác nghiệp thực tế cho nên hiệu quả làm việc chưa cao.
Do đó, sắp tới chúng ta phải có chính sách hỗ trợ khác thay vì cứ áp dụng mức phụ cấp theo quy định, có như vậy mới thu hút được cán bộ. Vừa qua, Nhà nước cũng đã công nhận những người làm công tác xã hội như là một nghề nên đã xây dựng thang bảng lương, chế độ trợ cấp đặc thù cho cán bộ của ngành.
Hoàng Tuyết
Theo báo Tin tức
Bình luận (0)